Công tác phát triển đoàn viên còn nhiều khó khăn
Nghị quyết số 06/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033 ban hành mới đây đã nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là trách nhiệm chính và trực tiếp của các cấp công đoàn (CĐ).
Bên cạnh đó, thời gian qua công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở giai đoạn 2013-2023 có nhiều thuận lợi, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2023 cả nước phát triển mới là 8.880.561 đoàn viên, thành lập 52.346 CĐCS. Tính đến ngày 31/12/2023 cả nước có 11.224.831 đoàn viên và 124.325 CĐCS.
LĐLĐ thành phố Hưng Yên tổ chức lễ thành lập CĐCS, kết nạp đoàn viên tại Công ty TNHH May mặc HanKyung Việt Nam. (Ảnh: CĐ Hưng Yên) |
Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế khó khăn như: việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS chưa tương xứng với sự phát triển các loại hình doanh nghiệp và người lao động; hoạt động CĐ nhiều nơi chưa thực sự đổi mới để thu hút người lao động tham gia CĐ; việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động có lúc chưa kịp thời. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, sử dụng rất ít lao động; công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, ngành về doanh nghiệp, lao động chưa chặt chẽ…
Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 giai đoạn từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2022 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống của người lao động...
Phấn đấu phát triển thêm 3 triệu đoàn viên
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong những năm tới, Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng nhanh, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, thị trường lao động việc làm có một số điểm tích cực, nhu cầu việc làm tăng, số lượng công nhân lao động tăng, hoạt động CĐ tiếp tục được đổi mới, mở rộng, phát triển và có xu hướng dịch chuyển nhanh sang khu vực ngoài Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động đến tư tưởng, việc làm, đời sống của người lao động, hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là cấp bách và cần thiết.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra mục tiêu, đến năm 2028, phấn đấu phát triển đoàn viên tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là 3 triệu đoàn viên; thành lập CĐCS ở 100% doanh nghiệp có 25 lao động trở lên.
Giai đoạn 2029 - 2033 phấn đấu phát triển đoàn viên tăng thêm trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là 3,5 triệu đoàn viên; thành lập CĐCS ở 100% doanh nghiệp có 20 lao động trở lên.
Chủ tịch LĐLĐ Quận 4 (TP Hồ Chí Minh) trao quyết định thành lập 5 CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước với tổng số 198 đoàn viên. |
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tham mưu các bộ ngành, tổ chức xã hội liên quan tạo điều kiện để Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Cùng với đó, hằng năm các cấp CĐ xây dựng kế hoạch và chọn tháng 5 (Tháng Công nhân) và tháng 7 (tháng thành lập CĐ Việt Nam) là tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Nghiên cứu đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về lợi ích và hiệu quả khi tổ chức CĐ được thành lập trong doanh nghiệp; lợi ích khi người lao động tham gia CĐ; làm cho người sử dụng lao động, người lao động hiểu được bản chất, chức năng, vai trò của tổ chức CĐ trong việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, đổi mới nội dung là phải chọn nội dung phù hợp, ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu, dễ thực hiện; đổi mới hình thức tuyên truyền là phải đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng người sử dụng lao động, người lao động, phù hợp đặc điểm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, thông qua việc đổi mới tổ chức các chương trình phúc lợi đoàn viên thực chất, hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội… Thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để kịp thời giải quyết các vấn đề bức thiết mà đoàn viên quan tâm, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò, sức mạnh đoàn kết trong đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh…