Đẩy nhanh các Chương trình mục tiêu quốc gia: Ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên họp Quốc hội (QH) sáng nay, 30/10, thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng, điều quan trọng là ý chí vươn lên của người dân, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Do vậy, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Có chung băn khoăn, trong phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề cập đến tâm lý chưa muốn rất nghèo của một bộ phận người dân.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân căn cơ là do từ cách làm đến chất lượng các Chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao.

“Hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Do đó, điều mà chúng ta cần quan tâm là cách làm và chất lượng của các Chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững thì người dân không ai muốn quay lại nghèo. Đó mới là vấn đề”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Tán thành với ý kiến về quản lý bằng kết quả đầu ra, đại biểu đề nghị phải xây dựng và ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh.

“Ví dụ như Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì nhà ở cấp bách hơn nên địa phương đã tập trung làm nhà ở xong rồi thì vẫn đồng tiền đó, lượng tiền như vậy thì địa phương tập trung giải quyết nước sạch, chứ thay đổi một chút lại trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê, khó khăn,Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động”, đại biểu đề nghị.

Chia sẻ bên hàng lang QH, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH) nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên QH tiến hành giám sát cả 3 CTMTQG, thay vì chỉ 1 Chương trình.

Việc đánh giá giữa kỳ để nhìn nhận tiến trình, cơ chế, chính sách, từ quá trình giám sát để phát hiện những vấn đề vướng mắc, tồn tại và những ưu, khuyết điểm của các Chương trình để góp phần cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Lưu ý hiện đã là giữa nhiệm kỳ, nhưng qua giám sát cho thấy kết quả giải ngân các Chương trình mới ở mức khiêm tốn, mới đạt kết quả bước đầu, đại biểu phân tích, khả năng giải ngân mới tương đối ở phần đầu tư, còn phần sự nghiệp rất quan trọng liên quan đến sản xuất, đời sống người dân, cải thiện các dịch vụ sống cơ bản hầu như chưa được.

“Con số 57% giải ngân vốn sự nghiệp mới chỉ tập trung vào các hoạt động liên quan đến thanh tra, kiểm tra, đào tạo, tập huấn…, những hoạt động tác động trực tiếp, cốt lõi của Chương trình liên quan đến sự nghiệp chưa được thực hiện. Đây cũng là vấn đề đặt ra, cần phải tháo gỡ”, đại biểu nói.

Đề cập về các “điểm nghẽn” trong triển khai các Chương trình, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách.

“Bối cảnh thực hiện 3 Chương trình gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn rất chặt với những vấn đề của đời sống người dân, cộng đồng; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu thực hiện khó vì đối tượng thực hiện rộng, phạm vi, địa bàn rộng, đối tượng phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chưa tiếp cận được theo hướng đó", đại biểu nói.

Theo đại biểu, việc cụ thể hóa yếu tố đặc thù theo tinh thần nghị quyết QH chưa được bảo đảm đầy đủ. Việc thể hiện nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, tập trung trọng tâm, trọng điểm cũng chưa thật sự được thể chế hóa một cách đầy đủ trong các văn bản, chính sách cụ thể.

Ngoài ra, đại biểu cho hay, trên thực tế, có tình trạng “có tiền nhưng chưa tiêu được” do cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, đầy đủ, nhiều khi không rõ ràng, địa phương không dám triển khai.

Qua giám sát cho thấy việc phân bổ vốn chưa hợp lý, có tỉnh không có nhu cầu nhưng vẫn phân bổ. Phần quy định vốn đối ứng ở các địa phương bắt buộc địa phương thực hiện trong khi điều kiện các tỉnh nghèo rất khó bố trí vốn đối ứng để thực hiện nội dung đó.

Chưa kể, liên quan đến chuyển nguồn, ở rất nhiều địa phương, việc xác định nhu cầu từ 2019 đến nay có sự thay đổi rất nhiều từ đối tượng, địa bàn bị trùng lặp, không còn nhu cầu nữa nhưng vẫn phân bổ vốn đương nhiên sẽ dư ra phần vốn cần được xử lý.

"Câu chuyện Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nói là thừa 355 tỷ sẽ phải trả lại Nhà nước, tôi nghĩ nhiều tỉnh có liên quan đến vấn đề này. QH, Chính phủ cần có những bàn bạc, tháo gỡ liên quan đến vấn đề chuyển nguồn”, đại biểu cho hay.

Đọc thêm