Ngày 25/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/2024/NĐ-CP).
Để làm rõ những nội dung mới cũng như ý nghĩa của Nghị định quan trọng này đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.
- Xin ông cho biết tính cấp thiết của việc ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP?
Ông Trần Anh Đức: Ngày 14/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP); ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, các VBQPPL được ban hành từ khi Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP có hiệu lực đã giúp thể chế hóa đầy đủ, kịp thời một trong 3 đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về công tác xây dựng pháp luật; nhiều văn bản có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các dự án trọng điểm quốc gia; góp phần trước mắt và lâu dài kiểm soát, phòng chống dịch Covid; hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện 2 Nghị định nêu trên cũng còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan từ các quy định của 2 Nghị định. Có thể kể đến như, một số quy định của 2 Nghị định chưa phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, một số quy định của 2 Nghị định còn thiếu cụ thể, rõ ràng dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất (như thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL; việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…). Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, một số nội dung còn thiếu trong 2 Nghị định cần bổ sung để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thi hành VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Do vậy, việc ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
- Nghị định số 59/2024/NĐ-CP có phạm vi sửa đổi ra sao, thưa ông?
Ông Trần Anh Đức: Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 30 Điều về nội dung; bãi bỏ cụm từ, khoản, điều tại 8 điều; bổ sung 3 Mẫu và thay thế 4 Mẫu; tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Đó là nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL; và nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
- Ông có thể nói rõ những điểm mới của Nghị định theo 3 nhóm vấn đề trên, thưa ông?
Ông Trần Anh Đức: Ở nhóm các quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi 3 điều, bãi bỏ 3 điều, thay thế 3 Mẫu về xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách như quy định cụ thể, rõ ràng, hợp lý hơn về yêu cầu đánh giá tác động của chính sách; đơn giản hóa phương pháp đánh giá tác động của chính sách để tăng cường tính chủ động, linh hoạt của cơ quan lập đề nghị xây dựng VBQPPL; bãi bỏ một số quy định về đánh giá tác động của chính sách không khả thi hoặc đã được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL…
Nghị định cũng sửa đổi một số quy định về lấy ý kiến đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL như sửa đổi, bổ sung quy định lấy ý kiến đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL (Điều 10 và khoản 3 Điều 25) theo hướng quy định hợp lý hơn các đối tượng gửi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và trao quyền chủ động cho cơ quan lập đề nghị trong việc xác định cơ quan, tổ chức cần lấy ý kiến đảm bảo huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; xác định rõ đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể được thực hiện trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo mà phát sinh yêu cầu cần áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn (như văn bản cần có hiệu lực ngay để xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn theo yêu cầu của Chính phủ).
Còn ở nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP sửa đổi một số quy định như quy định trách nhiệm công bố danh mục nghị quyết của HĐND quy định chi tiết hết hiệu lực nhằm giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương trong việc công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực.
Quy định trách nhiệm của các cơ quan trong công tác rà soát văn bản, Nghị định quy định rõ, định kỳ 3 năm, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát theo lĩnh vực, địa bàn quản lý và định kỳ 5 năm, Chính phủ xem xét, trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng rà soát hệ thống văn bản.
Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xử lý thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp cần phải thay thế, bãi bỏ thông tư liên tịch mà trước đây chưa có hướng dẫn, gây ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ở nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo VBQPPL và các chủ thể có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, Nghị định sửa đổi, bổ sung để quy định rõ hơn trách nhiệm của thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định trong việc nghiên cứu hồ sơ dự thảo VBQPPL và phát biểu ý kiến thẩm định theo các nội dung yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL.
Cạnh đó, Nghị định sửa đổi để quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong việc cử thành viên tham gia Ban soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ; Tổ biên tập có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL trước cơ quan chủ trì soạn thảo; mối quan hệ giữa Ban soạn thảo, Tổ biên tập với cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ngoài ra, Nghị định bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thi hành VBQPPL; quy định rõ cơ quan chủ trì lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL…
- Với những điểm mới đáng chú ý như trên, ông có kỳ vọng gì về tác động của Nghị định đối với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trong thời gian tới?
Ông Trần Anh Đức: Với các quy định như trên, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP khi có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 sẽ góp phần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; cũng như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!