Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 Luật (Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời cần cân nhắc cẩn trọng việc thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Theo Đại biểu Nga, trước đây đã có thời gian, công tác này do Bộ Công an quản lý. Qua nghiên cứu sửa đổi, công tác này được giao cho Bộ Giao thông vận tải. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 17 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung thực hiện chuyển thẩm quyền quản lý một số lĩnh vực có đủ điều kiện dân sự hóa thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sang các bộ, ngành khác.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. |
Sau 25 năm triển khai thực hiện, hệ thống nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành Giao thông ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa… Chúng ta cũng đã đầu tư nhiều chi phí, công sức, thời gian để xây dựng và triển khai công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc ngành Giao thông.
“Việc thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán cụ thể tác động về chi phí phát sinh, tránh lãng phí nguồn lực và cơ sở vật chất”, Đại biểu Nga nhấn mạnh và cho rằng những hạn chế trong công tác này là do tổ chức thực hiện, chứ không xuất phát từ thể chế.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cũng thẳng thắn cho hay, cơ sở tách hai Luật không thuyết phục. Chẳng hạn, giao thông đường bộ mang tính chuyên ngành, chuyên sâu nên nếu tách lĩnh vực này thì về sau có tách các lĩnh vực giao thông đường hàng không, đường thủy… hay không.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Bên cạnh đó, về mục tiêu xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn thì 6 chính sách của dự thảo Luật này hoàn toàn nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Hơn nữa, việc tách ra chắc chắn sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, là vấn đề không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, khiến chẻ đôi thủ tục hành chính.
Ngoài ra, sẽ gây hệ lụy về tổ chức thi hành pháp luật kèm theo những xung đột về nhiệm vụ, thẩm quyền, lợi ích, có thể xâm phạm quyền lợi của Nhà nước, người dân, lãng phí các nguồn lực, sau này sẽ dẫn đến quyền anh, quyền tôi. Đặc biệt, sẽ phá vỡ nhiều nội dung trong Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội thông qua năm 2008.
“Nếu tách hành vi của con người ra khỏi hoàn cảnh là sai về mặt nguyên lý. Một anh quản lý về hạ tầng, một anh quản lý về con người là không đồng bộ, hạ tầng với con người phải đi cùng với nhau”, Đại biểu Nhưỡng nêu và chỉ rõ hầu hết các nước trên thế giới không tách thành 2 luật đối với giao thông đường bộ.
Đặc biệt, sắp tới chúng ta có Cơ sở dữ liệu dùng chung thì một cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp là có thể làm tốt được công việc. Từ đó, Đại biểu Nhưỡng đề nghị Quốc hội giao lại cho Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này, giống như trả lại hồ sơ để điều tra lại; đề nghị Bộ Giao thông vận tải hết sức nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến, đánh giá các vấn đề liên quan đến giao thông.
Trường hợp tách thành 2 Luật, Đại biểu Nhưỡng đề nghị Quốc hội đề nghị ngành Công an giao lại Cảnh sát giao thông, chuyển về Bộ Giao thông vận tải. Theo đó giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho cán bộ, thậm chí tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý các vấn đề vi phạm.