ĐBQH hiến kế 'chữa bệnh 30 tuổi nhưng vẫn ở dạng tiềm năng' của ngành Du lịch

(PLO) - Để đưa ngành du lịch ra khỏi thế "30 tuổi nhưng vẫn ở dạng tiềm năng", ĐB đã hiến kế để chữa căn bệnh trầm kha này.
ĐBQH hiến kế 'chữa bệnh 30 tuổi nhưng vẫn ở dạng tiềm năng' của ngành Du lịch

Góp ý cho Dự thảo Luật du lịch, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đề nghị cần có quy định thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực.

Bà nhận định: "Du lịch nước ta sau hơn 30 năm đổi mới nhưng nay vẫn còn ở dạng tiềm năng, đây là điều đáng phải suy nghĩ. Việc cấp thị thực có liên quan và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của du lịch. Việt Nam là nước có chính sách Visa khá thắt chặt so với khu vực và trên thế giới. Theo số liệu của Cục xuất nhập cảnh công bố tính đến tháng 6 năm 2016 Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông của 22 quốc gia."

ĐB cho biết thêm: Theo Nghị định 07 năm 2017 của Chính phủ về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thì nghị định này áp dụng cho 40 nước.

Bà nhận định những con số này là rất ít so với các nước trong khu vực: "Tôi ví dụ như ở Indonexia tháng 3 năm 2016 nước này miễn thị thực thêm cho công dân của 79 quốc gia vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia vùng lãnh thổ có công dân vùng miễn thị thực lên 169.

Các quốc gia khác đã mở rộng cửa đón khách quốc tế như Philippin miễn thị thực cho 165 nước, Malaysia miễn 164 nước, Singapore miễn cho 160 nước và Thái Lan miễn cho 61 nước. Việc chính sách thị thực của nước ta có phần hơi khắt khe hơn so với các nước trong khu vực hiện nay đã phần nào ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cũng như thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Chính vì vậy, tôi đề nghị trong dự án luật lần này hoặc trong các Nghị định khác của Chính phủ có liên quan, cần bổ sung quy định về cấp thị thực theo hướng linh hoạt và đơn giản hơn nữa, mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực và cấp thị thực điện tử, cấp tại cửa khẩu, giảm lệ phí cấp thị thực, tăng thời hạn miễn thị thực cho khách quốc tế.".

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho du lịch phát triển ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật du lịch, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để phát triển ngành công nghiệp không khói này phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam về du lịch, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua.

ĐB cho rằng ngành du lịch là một ngành đầu tư ít nhưng đem lại hiệu quả cao nhất và là ngành liên quan đến nhiều ngành khác như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng... đều gắn với du lịch, hoặc kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Vì vậy, xây dựng và phát triển ngành du lịch phải đặt trong bối cảnh phát triển các ngành kinh tế của Việt Nam và hoạt động du lịch không tách rời với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ĐB Trần Tất Thế, phát triển kinh tế du lịch phải được quy định và là một nội dung của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Có như vậy chúng ta mới tích hợp và phát huy đầy đủ, đánh thức được tiềm năng du lịch của Việt Nam.

Chung quan điểm này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và nhiều ĐB khác cũng đã tán thành việc phải hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vì việc này cũng sẽ tạo điều kiện và góp phần hỗ trợ cho các hoạt động phát triển du lịch được khả thi hơn, mạnh mẽ hơn.

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng việc hình thành quỹ hỗ trợ du lịch là hoàn toàn rất khả thi. “Tôi đồng ý việc phải có một quỹ, thậm chí rất mạnh để thúc đẩy phát triển du lịch của đất nước ta, một đất nước giàu tiềm năng về du lịch nhưng tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực”, ông nói.

Đọc thêm