Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư: Lấy sức dân chăm lo cuộc sống nhân dân

(PLVN) -  Tại hội thảo về “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố”, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức mới đây, có ý kiến đánh giá việc xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư là nội dung thiết thực nhằm phát huy dân chủ, lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho nhân dân.
Mô hình “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới” tại Tây Ninh.
Mô hình “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới” tại Tây Ninh.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư (CĐDC) thực hiện theo 5 nội dung chính.

Thứ nhất, CĐDC bàn, quyết định chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố (TDP) do dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; và các công việc tự quản trong nội bộ CĐDC phù hợp quy định pháp luật.

Thứ hai, CĐDC tham gia bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; tham gia ý kiến trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định về các công việc của CĐDC và của cấp xã theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cấp xã.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của CĐDC; tham gia tự quản trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Thứ tư, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia, hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Thứ năm, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng TDP.

Dự thảo đề án cho thấy, do yêu cầu của thực tiễn, quy mô thôn, TDP ngày càng lớn hơn, số hộ dân tăng lên. Đồng thời xuất phát từ việc để triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa bàn dân cư, trong mỗi thôn, TDP có tổ chức ra các tổ, nhóm, CLB tự quản khác nhau về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa...

Nhìn chung tổ chức và hoạt động tự quản theo các mô hình này chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc, mỗi địa phương có cách tổ chức khác nhau, hoạt động còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ chủ thể chủ trì, phối hợp thực hiện.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, tổ chức hoạt động tự quản là hình thức phát huy quyền làm chủ của dân tham gia quản lý xã hội, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó nhân dân trong CĐDC, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Tuy nhiên, ở nước ta hiện chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở CĐDC.

Đồng tình nhận xét trên, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ khẳng định, việc xây dựng mô hình tự quản ở CĐDC là nội dung thiết thực nhằm phát huy dân chủ ở CĐDC để lấy sức dân chăm chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, chưa có văn bản của cơ quan thẩm quyền quy định về tổ chức và hoạt động với mô hình tự quản để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Chính bởi vậy việc xây dựng và hoàn thiện mô hình cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình đã có, là việc làm thiết thực.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa (UBTƯ MTTQ) cho rằng, việc xây dựng Đề án phải gắn liền với thực tiễn để từ đó phát huy vai trò tự quản của người dân. Mục tiêu của Đề án phải phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết, tính sáng tạo và tinh thần tự nguyện của CĐDC. MTTQ phải là “bà đỡ” cho các mô hình tự quản ở CĐDC.

Tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, trong khuôn khổ pháp luật

Nêu lên ba nguyên tắc quan trọng để thực hiện các mô hình tự quản ở CĐDC, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ nhấn mạnh, các mô hình tự quản cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết; đồng thời hoạt động phải trong khuôn khổ pháp luật, hương ước, quy ước. Việc xây dựng các mô hình tự quản phải góp phần nâng cao ý thức công dân, đoàn kết giúp đỡ nhau, chấp hành pháp luật, xây dựng CĐDC văn hóa, văn minh, an toàn vì lợi ích của công dân và cộng đồng.

Trên tinh thần đó, ông Thường kiến nghị trong thời gian tới cần xây dựng thành một cơ chế chính sách pháp luật cho hình thức tự quản ở CĐDC, xây dựng luật tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước của các mô hình tự quản.

Đánh giá cao những ý kiến góp ý, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ cho biết, xuất phát từ thực tiễn, Ban Bí thư đã giao cho Đảng đoàn MTTQ chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án; đồng thời Ban Bí thư sẽ căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chức năng để ban hành kết luận theo đúng tinh thần mô hình tự quản do nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đáp ứng những nhu cầu chính đáng và phục vụ nhân dân là chính.

“Trước đây chúng ta vẫn nói với nhau là xây dựng thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nhưng giờ đây cần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì phải bắt nguồn từ cơ sở”, ông Chiến nhấn mạnh, các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ nhưng phải đi đôi với kỷ cương.

Theo dự thảo Đề án, “tự quản” là “tự mình trông coi, quản lý công việc, không cần có ai điều khiển” hoặc “là một phương thức quản lý mở rộng dân chủ trên những mức độ khác nhau”. Mô hình tự quản được hiểu: là tổ, nhóm hộ gia đình, cá nhân trong cùng một địa bàn dân cư cùng nhau tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến đời sống, lao động, sinh hoạt của mình ở cộng đồng.

Mô hình tự quản được thành lập trong thôn, TDP, theo từng nhóm, tổ gia đình (cá nhân), được tổ chức theo 3 loại: Tổ, nhóm hoạt động tự quản theo lĩnh vực, có tính chất xã hội đem lại lợi ích chung cho cộng đồng; Tổ, nhóm hoạt động tự quản, giải quyết các vấn đề về địa bàn rộng, địa hình chia cắt, số hộ dân trong thôn, TDP; Tổ, nhóm hoạt động tự quản để giải quyết công việc cụ thể trong một giai đoạn nhất định.

Đọc thêm