Để bình đẳng giới đi vào thực chất nhiều hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến nay, các hoạt động văn hóa, kinh tế - xã hội ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đã hoạt động, mở cửa trở lại. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đại dịch đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung, lĩnh vực bình đẳng giới nói riêng vẫn chưa kết thúc.
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022.
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022.

Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch COVID-19. Điều này đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất. Chính vì thế, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ 15/11 - 15/12) có chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam vừa tổ chức vào ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định chủ đề Tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trong bối cảnh Việt Nam đang phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Thế nào là bình đẳng giới thực chất?

Qua thông tin trên, có thể thấy, bình đẳng giới thực chất là rất quan trọng để giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Vậy thế nào là bình đẳng giới thực chất?

Thời nay, hình ảnh phụ nữ có thể chơi các môn thể thao là ưu thế của nam giới như đá bóng, đánh golf..., làm các công việc được coi là của nam giới như: phi công, kỹ sư xây dựng… đã không còn xa lạ. Tương tự, hình ảnh nam giới là thầy giáo nuôi dạy trẻ, có thể may vá, thêu thùa, nấu ăn, thậm chí là thành viên của Hội Phụ nữ... cũng trở nên rất quen thuộc. Nhưng đây có phải là bình đẳng giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất không, điều đó còn cần phải bàn.

Còn nhớ, trong một bài nghiên cứu, PGS.TS Lê Thị Thục đã từng nêu quan điểm, rằng muốn thay đổi tình trạng bình đẳng giới cần phải thay đổi các vấn đề liên quan đến đặc điểm giới (chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội) mà không phải là thay đổi các đặc điểm giới tính (chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ). Như vậy, có thể hiểu, thực hiện được bình đẳng giới tức là không có phân biệt, đối xử trên cơ sở giới tính. Nam giới và nữ giới có quyền ngang nhau, trách nhiệm xã hội, tiếp cận các cơ hội ngang nhau và đương nhiên mức thụ hưởng thành quả sẽ như nhau.

Và bình đẳng giới thực chất nhận rõ sự khác biệt giữa nam với nữ, từ đó chú trọng đến bình đẳng trong pháp luật và bình đẳng trong thực tế, tạo cơ hội và hưởng thụ cho nam và nữ bình đẳng. Bản thân con người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau, nam cũng như nữ. Không chỉ con trai hay con gái phải được đối xử như nhau trong gia đình mà xã hội cũng cần tạo cơ hội ngang bằng nhau cho nam và nữ. Từ đó nam và nữ sẽ được ưa thích như nhau, được tôn trọng như nhau.

Nếu áp dụng quan niệm bình đẳng giới kiểu thực chất, kết quả sẽ rất tích cực, thay vì bình đẳng giới kiểu hình thức là coi nam và nữ là như nhau mà không căn cứ vào sự khác biệt sinh học và sự khác biệt do xã hội quy định; kiểu quan niệm bình đẳng giới kiểu hình thức sẽ gây áp lực cho nữ giới, áp dụng các quy định, cách thể hiện giống như nam giới. Hoặc bình đẳng giới kiểu bảo vệ chú ý tới sự khác biệt giữa nam và nữ, từ đó xem xét các điểm yếu của nữ giới để tạo ra sự đối xử khác biệt với nam giới, tạo ra những vỏ bọc để bảo vệ, che chắn phụ nữ, ví dụ có những chính sách dành riêng cho nữ giới. Quan niệm này có thể cản trở quyền tự do lựa chọn của phụ nữ, phụ nữ có thể bị mất đi rất nhiều cơ hội phát triển và không góp phần thực chất vào thu hẹp bất bình đẳng giới.

Về bình đẳng giới, nhà văn Hoàng Anh Tú đã từng nêu quan điểm: “Bình đẳng giới theo tôi trước tiên phải là sự tôn trọng. Là chúng ta tôn trọng nhau. Là hai giới học cách tôn trọng lẫn nhau. Là năng lực, nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính. Là vị trí xã hội không do giới tính quyết định. Là mọi quyền lợi đều được đảm bảo như nhau, không phụ thuộc vào giới tính. Bình đẳng giới cũng không phải là xóa bỏ đi mọi ranh giới giữa hai giới tính. Mà phụ nữ vẫn cứ là phụ nữ, đàn ông vẫn cứ là đàn ông. Mỗi giới đều có những đặc điểm riêng, lợi thế riêng…”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bình đẳng giới thực chất tại Việt Nam - từ chính sách tới thực tiễn

Trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập ngày 2/9/1945 đã quy định về quyền bình đẳng giới. Điều 9 của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Tư tưởng xuyên suốt này được thể hiện trong các bản Hiến pháp sau đó và đến Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của các bản Hiến pháp trước. Các quy định từ Điều 14 đến Điều 49, Chương II của Hiến pháp năm 2013 đã quy định các quyền con người, quyền công dân, trong đó quyền của phụ nữ.

Với tư cách công dân, phụ nữ có quyền chính trị, quyền dân sự, quyền về kinh tế, lao động và việc làm; quyền về văn hóa, giáo dục; quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp… Ngoài ra, phụ nữ còn có quyền được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; được bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em; được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam đã thực sự đi từ chính sách đến thực tiễn mà Quốc hội Việt Nam khóa XV là minh chứng rõ nét nhất. Quốc hội Việt Nam khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 499 đại biểu, trong đó có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%), là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây có số đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII).

Trong 63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 -2025 có 9 người là nữ. Đây là số lượng nữ Bí thư Tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, số nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.

Với những chủ trương, đường lối đúng đắn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nên trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới. Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là giám đốc tài chính, chiếm 60% (tăng từ 32% vào năm 2020) đưa Việt Nam đứng vị trí số 1 tại châu Á - Thái Bình Dương…

Nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất và để bình đẳng giới đi vào thực chất nhiều hơn nữa, tại Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục chú trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, của người dân về bình đẳng giới; chủ động cam kết và có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Thay mặt các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez - Trưởng Đại diện UN Women khẳng định Liên Hợp quốc cam sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm. Qua 6 năm triển khai (2016 - 2021), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.

Đọc thêm