ARV giúp làm giảm lượng virus trong máu
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 200.000 người nhiễm HIV còn sống, ước tính năm 2017 phát hiện mới 9.800 người nhiễm và khoảng 1.800 người nhiễm HIV tử vong. Số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%, số bệnh nhân AIDS giảm 39% và người nhiễm HIV tử vong giảm 15%. Bộ Y tế đã triển khai điều trị ARV ở tất cả 63 tỉnh/thành phố với 401 phòng khám điều trị ngoại trú ARV, triển khai cơ sở cấp phát thuốc điều trị ARV tại 562 trạm y tế, trong trại giam.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay việc tiếp cận điều trị HIV của bệnh nhân đang gặp không ít rào cản. Vẫn còn không ít bệnh nhân lo sợ lộ danh tính, sợ bị kỳ thị nên không điều trị trong hệ thống y tế mà tự điều trị; bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân nên không mua được BHYT, gặp khó khăn về thủ tục tham gia BHYT.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lo sợ về bảo mật thông tin và thanh toán BHYT, đồng thời họ đang thiếu thông tin về điều trị sớm, thiếu thông tin về các cơ sở điều trị (bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa).
Nhận định được vai trò quan trọng của điều trị ARV, ngay từ đầu năm 2018, ngành Y tế đã đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn trong dự phòng, can thiệp giảm tác hại và truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Nói về tầm quan trọng của việc điều trị, ức chế virus HIV đối với bệnh nhân nhiễm HIV, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình mạng lưới cộng đồng và nhóm đích – Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết, thế giới vẫn chưa có một liệu pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể, vì vậy điều trị bằng ARV được coi là phương pháp điều trị đặc hiệu. ARV (thuốc kháng virus HIV) có tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV trong cơ thể, làm giảm lượng HIV trong cơ thể và giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm HIV.
Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo điều trị ARV cho tất cả những người có HIV càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán mà không cần phải dựa vào số lượng tế bào CD4. Việc điều trị sớm HIV giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Giảm nguy cơ lây nhiễm
Theo các chuyên gia, xét nghiệm tải lượng virus HIV là xét nghiệm ước lượng số virus có trong máu (nói cách khác là đo số lượng HIV trong mẫu máu của người nhiễm HIV). Tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện được hiểu là khi HIV dưới 200 bản sao/ml máu. Đây là xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá được hiệu quả điều trị của thuốc kháng virus (ARV).
Tuân thủ điều trị tốt ARV giúp làm giảm lượng virus trong máu. Những người có tải lượng virus ở mức dưới ngưỡng phát hiện sẽ có cuộc sống khỏe mạnh lâu hơn so với người có kết quả ngược lại và họ cũng ít có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác.
“Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV, duy trì số lượng HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì sẽ cải thiện được sức khỏe, sinh con, làm việc và có tuổi thọ như những người không nhiễm HIV.
Những người có HIV điều trị thành công và có sức khoẻ ổn định còn tham gia vào các hoạt động giúp các cộng đồng có nguy cơ cao như người sử dụng ma tuý, người bán dâm, nam đồng giới và người chuyển giới sớm xét nghiệm để phát hiện tình trạng của mình, đồng thời hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm HIV mới tiếp cận điều trị sớm nhất và tuân thủ điều trị”, bà Dung nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong cộng đồng vẫn đang tồn tại những cách hiểu chưa đúng về sự lây nhiễm của căn bệnh HIV, những người nhiễm HIV vẫn luôn cho rằng dù đã trải qua quá trình điều trị, đạt hiệu quả cao nhưng cơ thể họ luôn luôn là mối nguy hiểm của cộng đồng, họ có thể lây nhiễm cho bất kì ai tiếp xúc với họ, từ đó họ luôn sống “nép mình” trong sự ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi. Đồng thời, nhiều người vẫn đang kỳ thị, xa lánh đối với người nhiễm HIV, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người bệnh khiến kết quả điều trị không tốt.
Trao đổi về vấn đề này, bà Dung nhận định: WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người nhiễm HIV khi điều trị đạt đến tải lượng dưới ngưỡng phát hiện hoàn toàn không có nguy cơ lây HIV cho bạn tình qua đường quan hệ tình dục”.
“Với phụ nữ mang thai có HIV, nếu điều trị ARV trong quá trình mang thai và sinh con, đồng thời trẻ sơ sinh được điều trị ARV ngay từ khi sinh ra cho đến 4-6 tuần thì nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cũng giảm xuống dưới 1%.
Đối với người nhiễm HIV có sử dụng chung dụng cụ tiêm chích hoặc nuôi con bằng sữa mẹ điều trị ARV và có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì chưa có thông tin khẳng định về nguy cơ lây nhiễm HIV, vì vậy các biện pháp giảm nguy cơ luôn được khuyến cáo sử dụng”.