Để kỳ thi đánh giá năng lực không trở thành “gánh nặng” cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây khá thuận tiện khi học sinh không phải di chuyển về các thành phố lớn, mà được thi tại trường THPT ở địa phương. Trái lại, đối với không ít kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh phải chật vật để đăng ký thi, thậm chí phải di chuyển hàng trăm cây số đi thi…
Thí sinh thảo luận sau khi rời khỏi phòng thi. (Ảnh: Ngọc Long)
Thí sinh thảo luận sau khi rời khỏi phòng thi. (Ảnh: Ngọc Long)

Thí sinh phải căng mình cả hai hình thức thi

Mùa tuyển sinh 2024 có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Mặc dù kết quả của kỳ thi cũng là một thước đo, “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn được thí sinh xứng đáng vào trường. Tuy nhiên, việc nhiều nơi tổ chức kỳ thi cũng khiến dư luận trái chiều. Bởi lẽ không ít thí sinh và gia đình phải chạy theo hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, gây căng thẳng, tốn kém.

Theo thống kê sơ bộ, có hơn 10 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) trong mùa tuyển sinh năm 2024. Riêng kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia có “thâm niên” đã thu hút hàng trăm nghìn thí sinh tham gia.

Với tính chất đặc biệt của kỳ thi ĐGNL, nhiều thí sinh cảm nhận rõ áp lực khi tham dự kỳ thi này. Đi tàu suốt đêm để vượt quãng đường hơn 300km từ Hà Nội vào TP Vinh (Nghệ An), chị Đinh Thị Lam Giang có con đang học tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Con trai tôi đang đặt mục tiêu vào một trong những trường top đầu hiện nay nên xác định việc tuyển sinh đầu vào sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ngoài việc tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi tham gia thêm kỳ thi ĐGNL để các cháu thêm cơ hội. Chúng tôi cũng muốn con thi ở Hà Nội nhưng mất mấy ngày đăng ký đều thất bại vì nghẽn mạng, cuối cùng cháu chỉ đăng ký được ở điểm thi ĐH Vinh - cũng là một trong những suất cuối cùng”.

Không chỉ chị Giang mà nhiều phụ huynh cho biết, họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng con tham gia các kỳ thi tới của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, thậm chí các kỳ thi ĐGNL của các trường ĐH khác. Nhiều phụ huynh cho rằng, trước đây thí sinh phải lên “phố” đi thi, thì nay ngược lại, thí sinh về quê “tỉ thí”…

Thời gian qua, mỗi năm lại có thêm vài cơ sở tổ chức kỳ thi ĐGNL, việc nhiều cơ sở tổ chức các kỳ thi ĐGNL làm tăng phương thức tuyển sinh cho các trường ĐH, tăng cơ hội vào ĐH cho thí sinh. Song quá nhiều kỳ thi ĐGNL cũng khiến nhiều thí sinh bối rối, mất sức vì phải chạy đua với các cuộc thi.

Em Nguyễn Ngọc, học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh ở một số trường ĐH thuộc khối công nghệ, kinh tế, em cảm thấy “ngợp” vì quá nhiều phương thức xét tuyển, nhiều kỳ thi riêng. Em hiểu việc thi hay không tùy vào thí sinh, không tham gia thi ĐGNL có thể dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, học sinh luôn có tâm lý sợ trượt, muốn tham gia càng nhiều phương thức để cơ hội đậu càng cao. Việc thi nhiều đã khiến em mất thời gian, công sức, nhất là trong giai đoạn đang chạy nước rút để thi tốt nghiệp”.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường ĐH không nên “chạy đua” tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi ĐGNL. Theo đó, có thể sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của các đơn vị có uy tín. Với các lĩnh vực đặc thù, đơn vị cùng nhóm có thể liên kết để tổ chức kỳ thi chung, tránh dàn trải, gây rắc rối và tốn kém, lãng phí cho thí sinh.

Không thể “buông” khâu kiểm định

Mặc dù việc một số ĐH, trường ĐH trong nước đang có xu hướng tổ chức kỳ thi ĐGNL để làm phương thức xét tuyển là xu thế dần tiệm cận giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là, làm thế nào để bảo đảm được chất lượng của đề thi? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm kiểm soát các kỳ thi ĐGNL?

Ngày 2/6/2024, có khoảng có 39 nghìn thí sinh dự thi kỳ thi ĐGNL đợt hai năm 2024 do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức tại 14 tỉnh, thành. Tuy nhiên sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều thí sinh và giáo viên đã phát hiện cũng như đặt nghi vấn có đến 2 câu hỏi bị sai trong đề, khiến thí sinh không thể đưa ra đáp án đúng. Ngày 10/6, ĐH Quốc gia TP HCM đã thừa nhận trong quá trình chấm, hai lỗi kỹ thuật của đề thi được phát hiện. Do đó, hội đồng thi đã quyết định chấm đủ điểm đối với 2 câu hỏi bị lỗi kỹ thuật cho tất cả thí sinh có làm bài nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn cho rằng: Luật Giáo dục hiện nay cho phép trường tổ chức thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì kỳ thi phải được tổ chức theo tinh giản, giảm nhẹ phiền hà cho người học mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, việc tổ chức thêm các kỳ thi khác dù ít hay nhiều cũng gây tốn kém, vất vả cho người học, lãng phí cho xã hội. Trừ những trường năng khiếu, những trường đặc thù mới cần tổ chức thi riêng. Hơn nữa, không phải trường nào cũng tổ chức được một kỳ thi ĐGNL vì muốn làm thì phải có một ngân hàng đề lớn, có đội ngũ chuyên gia đo lường đánh giá, trong khi hầu hết các trường chỉ thuần túy chuyên môn.

Học sinh lớp 12 năm nay có nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, nhưng quá nhiều kỳ thi ĐGNL lại gây căng thẳng, lãng phí. (Ảnh minh họa : HT)

Học sinh lớp 12 năm nay có nhiều cơ hội xét tuyển ĐH, nhưng quá nhiều kỳ thi ĐGNL lại gây căng thẳng, lãng phí. (Ảnh minh họa : HT)

“Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý vấn đề này chứ không thể “buông” với lý do các trường được tự chủ tuyển sinh. Theo tôi, trường nào muốn tổ chức kỳ thi riêng thì phải trình đề án để Bộ xem xét có đủ năng lực tổ chức, về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia đo lường để thực hiện kỳ thi đó hay không. Thực tế đã có không ít trường vì chạy theo lợi nhuận mà tổ chức nhiều kỳ thi”, ông Khuyến nêu kiến nghị.

Còn theo PGS. TS Phạm Hữu Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hướng nghiệp Hội nhập Quốc tế thì để kỳ thi ĐGNL đạt hiệu quả thực chất, trước hết, khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có đơn vị giám sát, thẩm định chất lượng. Với vai trò quản lý, Bộ sẽ là bên thứ 3 thẩm định nội dung câu hỏi đề thi ĐGNL có thuộc phạm vi ngành mà trường đào tạo hay không?

Đặc biệt, theo PGS. TS Phạm Hữu Tiến, thông qua thẩm định, Bộ vừa tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo xây dựng, làm đầy ngân hàng đề thi đạt chuẩn chất lượng, không áp đặt, gây khó cho cơ sở giáo dục, vừa thể hiện vai trò quản lý nhà nước. Điều này có thể hạn chế tình trạng các trường “bắt tay” nhau để “tuyển được” số lượng sinh viên thay vì “tuyển chất lượng” sinh viên. Với những gì đã diễn ra thì không loại trừ trường hợp, tự chủ sẽ đặt ra áp lực việc phải có nhiều người học.

Có thể nói, nếu tổ chức kỳ thi riêng, trường ĐH phải có Hội đồng thẩm định đề thi ĐGNL và cần thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải có vai trò quản lý, theo dõi, đánh giá quy trình thẩm định của nhà trường có đúng hay không. Trường có đặc thù nào thì xây dựng đề thi tương ứng đặc thù ấy. Trong đó chất lượng đề thi, phương thức, cách thức tổ chức là những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả kỳ thi.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam: Cần bảo đảm lợi ích của người học

“Với tình trạng tổ chức các kỳ thi ĐGNL theo kiểu “trăm hoa đua nở” sẽ khiến cho thí sinh và gia đình chạy theo hết kỳ thi này đến kỳ thi khác gây căng thẳng, tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội. Cho dù các trường được giao quyền tự chủ thì vẫn phải vì lợi ích người học, xã hội chứ không phải của một nhóm người. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm soát các kỳ thi ĐGNL để làm sao bảo đảm lợi ích cho người học, kỳ thi tổ chức thi theo tinh thần tinh giản, tránh phiền hà cho người học mà vẫn bảo đảm chất lượng đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 đề ra”.

Đọc thêm