Cụ thể, tại Văn bản số 7203/BTC-HCSN ngày 1/7/2021 trả lời Công văn 4912/BYT-TCCB ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế thực hiện đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại BV Bạch Mai và BV K như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 3897/VPCP-KGVX ngày 11/6/2021; trong đó đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua làm cơ sở cho việc đề xuất thực hiện thí điểm tự chủ với BV Hữu Nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy.
Theo Bộ Tài chính, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.
Tại Nghị định 60 đã quy định về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công gồm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính đối với từng loại hình sự nghiệp công.
Khoản 1 Điều 35 Nghị định 60 quy định: “Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan Trung ương với đơn vị thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh, cấp huyện với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này”.
Văn bản trả lời Bộ Y tế của Bộ Tài chính. |
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định không tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ với BV Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy, việc xây dựng và thực hiện phương án tự chủ tài chính của 2 BV thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nêu trên.
Trước đó, Báo PLVN có loạt bài phản ánh về những bất cập, tồn tại trong việc thí điểm tự chủ toàn diện 4 BV thuộc Bộ Y tế theo Nghị quyết số 33. Theo đó, việc thí điểm tự chủ hiện đã được triển khai tại BV K, BV Bạch Mai. Theo kế hoạch sẽ được triển khai tại 2 BV còn lại là Chợ Rẫy, Việt Đức.
Tuy nhiên sau gần 2 năm thí điểm, việc thí điểm tự chủ toàn diện BV đã bộc lộ một số hạn chế như: Thiếu khung giá dịch vụ khám chữa bệnh dù thời gian thí điểm 2 năm sắp hết; thiếu hướng dẫn cụ thể về quyền hạn Hội đồng quản lý BV, trong mối quan hệ với Đảng ủy, Giám đốc BV nên nguy cơ “giẫm chân” trong điều hành... Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trước khi triển khai thí điểm toàn diện ở BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức cần hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục các tồn tại sau khi đánh giá triển khai tại BV K và BV Bạch Mai để đảm bảo hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh các BV ưu tiên chống dịch COVID-19 hiện nay, việc thí điểm nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến sự xáo trộn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của BV.