Đề nghị bổ sung hành vi 'gián tiếp' gây ra bạo lực gia đình vào Dự án luật

(PLVN) -  Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - “tế bào” của xã hội, nhưng rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, nên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và các đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh cho biết, về hành vi BLGĐ, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị quy định khái quát thành các nhóm hành vi BLGĐ và cũng có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra BLGĐ.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy hầu hết hành vi BLGĐ đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị BLGĐ có thể đan xen lẫn nhau. Do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi BLGĐ thì có thể trùng lặp các hành vi BLGĐ. Quy định cụ thể các hành vi BLGĐ cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật. Đây cũng là cách tiếp cận được các tổ chức quốc tế khuyến nghị và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Với ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), theo bà Thúy Anh, thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không/chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng. Hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật HN&GĐ, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống BLGĐ lấy người bị BLGĐ là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ. Đồng thời cũng là để xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai và những người trong cuộc sẽ được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để mối quan hệ trở nên tốt hơn.

Cân nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng hành vi bạo lực

Cơ bản thống nhất với cách tiếp cận trong dự thảo Luật nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn việc mở rộng áp dụng các quy định về hành vi bạo lực với thành viên gia đình là cha mẹ, con, anh chị em, vợ chồng đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ và người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Theo ông Tùng, về nguyên tắc, trong nhiều trường hợp những người không còn quan hệ với nhau như quan hệ gia đình về mặt pháp lý nhưng trong thực tiễn vẫn có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc, ví dụ có con chung nên vẫn có những quan hệ gia đình.

Ông Tùng đề nghị rà soát thật kỹ bởi nếu quy định với những hành vi như thể hiện trong dự thảo Luật hiện nay thì sẽ dẫn đến một số trường hợp không hợp lý. Ông dẫn chứng, trường hợp người phụ nữ trong hôn nhân, chưa ly hôn nhưng bỏ mặc chồng để chung sống với người khác, đây là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng thực tiễn vẫn diễn ra và sau đó có thai với người chung sống đó nhưng quay trở lại yêu cầu người chồng hợp pháp phải chăm sóc, phải nuôi dưỡng, không được bỏ mặc.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng không phải tất cả các hành vi BLGĐ tại dự thảo Luật đều có thể áp dụng với người thân của người đã ly hôn. Bà Nga quan niệm, khi xác định BLGĐ thì phải có 2 yếu tố: một là, bạo lực; hai là, gia đình. Những thành viên đã ly hôn thì dự thảo Luật cũng không thể hiện rõ những người đó có chung sống với nhau trong cùng một gia đình hay không. Nếu họ không cùng chung sống trong một gia đình thì phạm vi này rộng và chưa phù hợp với thực tiễn. “Nếu với thành viên đã ly hôn mà vẫn xác định có hành vi bạo lực thì chỉ trong một số trường hợp nào đó”, bà Nga đề nghị cân nhắc kỹ việc mở rộng phạm vi này.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm một số vấn đề liên quan, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nhận diện thế nào về BLGĐ quả thực rất khó. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện các biểu hiện. Đến nay, cơ bản chúng ta đã bao quát được tình hình, diễn tiến trong 4 nhóm lĩnh vực đó, đặc biệt là nhận diện sâu hơn về bạo lực tinh thần.

Về quy định đối với những người đã ly thân, ly hôn và các đối tượng khác, ông Hùng nêu rõ, thực tiễn cuộc sống đang đặt ra mà Luật phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi. “Mặc dù đã ly hôn rồi, trách nhiệm của anh đã được giao rồi nhưng anh không làm thì bây giờ anh phải có chế tài cụ thể... Hoặc kể cả có những lúc anh làm rồi nhưng mà vì là con anh, anh gọi về, anh đánh đập và ngược đãi nó, đấy cũng là một hành vi BLGĐ”, ông Hùng quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp nhất trí với phương án trong dự thảo Luật về hành vi BLGĐ. Phương án này đảm bảo phù hợp với mục tiêu, phạm vi áp dụng của dự thảo Luật tới tất cả các đối tượng BLGĐ trong thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý để chúng ta giải quyết triệt để tình trạng bạo lực, hành vi bạo lực trong thời gian qua.

Đọc thêm