“Nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì thấy càng xuống dưới, tín nhiệm thấp càng cao. Vì sao vậy, có phải do năng lực cán bộ yếu kém?. Nếu yếu kém thì phải xem lại công tác tổ chức cán bộ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp hôm qua (12/9).
|
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng không bằng lòng khi báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm chưa đánh giá được trách nhiệm của chính người bỏ phiếu để quyết định kết quả lấy phiếu có khách quan không. Ông Hiện cũng nghi ngại “đánh giá như báo cáo thì công tác phòng chống tham nhũng yên tâm quá trong khi qua giám sát công tác này có rất nhiều vấn đề.”
Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày cho biết: Với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, có tổng số 47 người được lấy phiếu tín nhiệm, không người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Trong đó có 689 người đạt “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên, 39 người có tỷ lệ “tín nhiệm” đạt trên 50%, 2 người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% tổng số đại biểu.
Ở cấp huyện, tính đến ngày 10/9/2013 có tổng số 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh (còn một số huyện chưa báo cáo). Trong đó, 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 73,5%), 496 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm”; 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Ở cấp xã, có 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh (còn một số xã chưa báo cáo). 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp. Đặc biệt, trong số này có 5 người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung, dân chủ. Qua đó, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’ Sor Phước thì lấy phiếu tín nhiệm ở ba mức như hiện nay “vừa mất thời gian, tốn tiền, lại hình thức”. Ông K’Sor Phước cũng cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các Giám đốc Sở, Trưởng ngành ở địa phương.
“Mấy giám đốc Sở lẽ ra phải là người được lấy phiếu thì lại đi bỏ phiếu cho đại biểu dân cử (HĐND). Mà đại biểu dân cử thì không có va chạm nhiều với người dân, muốn trả lời gì với người dân cũng theo pháp luật, theo nghị quyết hết nên mức độ sai phạm rất hiếm, trừ tham ô hối lộ hay phạm tội. Do đó, không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với đối tượng này”, ông Phước nói.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh thêm: “Các đại biểu dân cử ở cả Quốc hội và HĐND đều được phiếu rất cao vì họ không va chạm và không đưa ra quyết định trực tiếp. Do tính chất hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp là hoàn toàn khác nhau do đó cần cân nhắc đối tượng lấy phiếu, trong đó có đội ngũ Giám đốc Sở ở địa phương không phải là đại biểu dân cử nhưng rất quan trọng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, nhiều địa phương đề nghị lấy phiếu tín nghiệm đến các Trưởng ngành cấp tỉnh, TP, Trưởng ngành Tư pháp cấp tỉnh, huyện và chỉ nên có hai mức tín nhiệm (cao, thấp).
Đánh giá những ý kiến phát biểu là rất thiết thực, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết vì đây là những vấn đề rất lớn nên UBTVQH sẽ ghi nhận, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sẽ xem xét, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 6 Chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (sẽ khai mạc vào 21/10 , dự kiến bế mạc 3/12/2013), Văn phòng Quốc hội cho biết, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 35 ngày (không kể các ngày nghỉ). Trong đó một nội dung quan trọng là Kỳ họp dự kiến sẽ dành 4 ngày để Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và 0,5 ngày xem xét, thông qua. Ngoài ra, kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan cũng dự kiến được đưa vào chương tình kỳ họp. |
Thu Hằng