Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bưu điện

(PLO) - Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết thúc điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Bưu Điện thuộc Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT).
CQĐT đề nghị truy tố 3 bị can, gồm: Trương Anh Kiệt, 56 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện; Phạm Văn Sửu, 50 tuổi, nguyên Kế toán trưởng, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện và Trương Bích Nguyệt, 53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện.
Theo kết luận điều tra, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện có chức năng khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, hoạt động y tế dự phòng cho cán bộ công nhân viên thuộc VNPT và tham gia hoạt động y tế cộng đồng trên địa bàn 32 tỉnh phía Nam từ TP Đà Nẵng trở vào (trụ sở chính của Bệnh viện ở tại quận 10, TP Hồ Chí Minh).
Trong quá trình điều hành hoạt động của Bệnh viện, từ năm 2009 đến năm 2011, bị can Trương Anh Kiệt cùng các đồng phạm và một số cán bộ có liên quan đã lợi dụng các đoàn cán bộ của các đơn vị đến Bệnh viện khám rồi về trong ngày để lập khống hồ sơ, bệnh án, kê khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú... Từ đó, các bị can lập báo cáo thực hiện chi tiêu chuyên môn và báo cáo tài chính để quyết toán khống của VNPT hơn 22 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ tiền giường và trên 5,7 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ tiền ăn tại cơ sở 2 của BV. 
Quá trình điều tra xác định, việc lập khống hồ sơ bệnh án, nâng khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú để rút tiền của VNPT là chủ trương do ông Kiệt chỉ đạo, được thống nhất thực hiện trong toàn bệnh viện. 
Hình thức chỉ đạo thể hiện tại các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn từng năm do ông Kiệt ký, ban hành. Do đó, các khoa sử dụng tên của cán bộ các đơn vị đến khám để lập khống hồ sơ, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Trong 3 năm (từ 2009 - 2011), Bệnh viện Đa khoa Bưu điện đã lập khống 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú tương ứng 131.960 ngày khống.
 Trương Anh Kiệt.
Trong tổng số tiền thiệt hại được xác định nêu trên, các bị can đã đưa 11 tỷ đồng vào quỹ lương chia cho cán bộ.
Cơ quan điều tra xác định bị can Trương Anh Kiệt được chia hơn 112 triệu đồng, Phạm Văn Sửu gần 73 triệu đồng và Trương Bích Nguyệt gần 73,5 triệu đồng.
Các cá nhân khác như ông Phạm Tuấn Khoa (phó giám đốc bệnh viện) cũng được hưởng lợi qua chênh lệch lương hơn 80 triệu đồng, bà Phạm Thị Kim Hoa (phó giám đốc) gần 80 triệu đồng, ông Ngô Xuân Bình (trưởng phòng hành chính) hơn 77 triệu đồng), bà Nguyễn Thị Thảo (kế toán) gần 40 triệu đồng...
Liên quan tới vụ án, có một số cán bộ khác thuộc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện, VNPT và các đơn vị địa phương có hành vi liên quan, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên CQĐT đã kiến nghị xử lý hành chính đối với những cá nhân này.
Trước đó, ngày 13/6/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Trương Anh Kiệt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bưu điện TP.HCM, về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hiện vụ án đang được điều tra, làm rõ./.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Đọc thêm