Để pháp y phát triển góp phần thượng tôn pháp luật: Những vấn đề quan trọng cần quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp cũng như tiến trình tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo Đề án cùng tên được ban hành cùng Quyết định số 250/QĐ-TTg, đã cho thấy nhiều vấn đề cần sớm quan tâm giải quyết, để hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng có thể phát triển hơn nữa, phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng, thượng tôn pháp luật.
Nhân lực pháp y luôn là câu chuyện khiến những người trong nghề lo lắng. (Nguồn: TTPYHN)
Nhân lực pháp y luôn là câu chuyện khiến những người trong nghề lo lắng. (Nguồn: TTPYHN)

“Đỏ mắt” tìm nhân lực

Trung tâm Pháp y Hà Nội (TTPYHN) như nhiều cơ quan giám định pháp y khác trên cả nước, đã và đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt về nhân sự. Theo Giám đốc TTPYHN - bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, hiện Trung tâm có 15 bác sĩ với rất nhiều đầu việc như: giám định pháp y thương tích; xác định nguyên nhân gây tử vong; giám định pháp y tình dục; giám định ADN; giám định hóa pháp, độc chất; khám sức khỏe tiền hôn nhân... Với nguồn nhân lực này, tương lai tới đây, khi ngành pháp y ngày càng phát triển, thì sẽ thiếu rất nhiều.

Tại Viện Pháp y quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước đầu ngành về hoạt động giám định pháp y trong ngành Y tế, thực tế cũng rất khó khăn trong vấn đề nhân lực. Trong vòng 10 năm trở lại đây, lãnh đạo Viện cũng đã không ít lần chứng kiến những cán bộ mới tuyển dụng “dứt áo ra đi” vì lý do gia đình không nhất trí với nghề nghiệp hoặc do chế độ đãi ngộ của ngành chưa cao... Điều này cũng không mấy khó hiểu, đơn cử như câu chuyện của bác sĩ Đào Công Giang, hiện công tác tại Khoa Giám định tổng hợp, TTPYHN. Bác sĩ Giang vốn sinh trưởng trong gia đình có bố là bác sĩ/giám định viên pháp y công tác tại Trung tâm Pháp y tỉnh Tuyên Quang, nhưng khi bác sĩ Giang quyết định theo nghề pháp y cũng không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ gia đình.

“Lâu nay, nhân lực pháp y luôn là câu chuyện khiến những người trong nghề lo lắng, dù thời gian gần đây, với các chính sách, pháp luật như: Đề án 319 năm 2013 của Chính phủ khuyến khích đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành, trong đó có pháp y; Điều 105 Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024; Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần..., khó khăn đã được hóa giải phần nào. Tôi rất mong tới đây sẽ có được nhiều sự quan tâm hơn nữa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như sự thay đổi nhận thức xã hội để các cơ quan giám định có nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao về làm công việc “bác sĩ của pháp luật” này”, theo Giám đốc TTPYHN.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 17/5/2024, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, nhân lực pháp y toàn ngành Y tế gồm 1.053 người, trong đó tại Viện Pháp y Quốc gia là 90 người, tại các tổ chức pháp y 63 tỉnh, thành phố là 963 người. Tổng số giám định viên (GĐV) pháp y ngành Y tế từ trung ương đến địa phương là 270 GĐV, bao gồm cả GĐV chuyên trách và kiêm nhiệm... Đánh giá về vấn đề nhân lực, Bộ Y tế cho biết, các trung tâm pháp y các tỉnh, thành phố hầu hết thiếu nhân lực. Nhu cầu bổ sung GĐV ở thời điểm hiện tại lên tới 50% số hiện có và dự kiến nhu cầu đến năm 2030 gấp đôi lực lượng hiện tại.

“Sớm có chính sách thu hút các bác sĩ chính quy về công tác tại các cơ sở giám định pháp y, bao gồm các chính sách của địa phương và của Chính phủ” - là đề xuất của ngành Y tế với vấn đề nhân sự pháp y. Ở góc độ tổ chức pháp y tỉnh thành, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc TTPYHN nêu quan điểm: “Thực tế hiện nay hầu như rất ít người muốn làm GĐV pháp y nhất là người có trình độ chuyên môn cao vì tính chất phức tạp, liên quan nhiều đến pháp luật. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để thu hút nhân tài cho lĩnh vực này. Luật Giám định tư pháp đã đi vào thực tiễn 12 năm. Sự phát triển, biến động không ngừng của xã hội hiện đại, nhiều tình huống trong thực tế phát sinh nên đặt ra vấn đề cần phải sửa đổi luật cho sát với yêu cầu thực tiễn. Việc nâng cao chất lượng GĐV tư pháp nói chung và pháp y nói riêng là vấn đề cần phải đặt lên hàng đầu”.

Nhiều vấn đề cần sớm quan tâm giải quyết để hoạt động giám định pháp y có thể phục vụ tốt hơn nữa cho hoạt động tố tụng, thượng tôn pháp luật. (Nguồn: shutterstock.com)

Nhiều vấn đề cần sớm quan tâm giải quyết để hoạt động giám định pháp y có thể phục vụ tốt hơn nữa cho hoạt động tố tụng, thượng tôn pháp luật. (Nguồn: shutterstock.com)

Tính độc lập và cơ chế phối hợp - hai vấn đề quan trọng để pháp y phát triển

Cũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức, báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, ở giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018, khi Luật Giám định tư pháp năm 2012 được ban hành, tại các địa phương đã có 61/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Trung tâm Pháp y; 2 tỉnh là mô hình Phòng Giám định Pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tỉnh Hải Dương) và Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y (tỉnh Quảng Bình).

Tuy nhiên, giai đoạn từ 2020 đến nay, do liên quan đến Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, một số tỉnh lại thực hiện sáp nhập Trung tâm Pháp y vào giám định y khoa hoặc vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cụ thể, hiện nay chỉ còn 55/63 tỉnh/thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm Pháp y (giảm 6 tỉnh so với năm 2018); 7 tỉnh hoạt động theo mô hình lồng ghép Trung tâm Pháp y - Giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế (Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Nam Định); 1 tỉnh hoạt động theo mô hình pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bắc Giang). Cũng theo Bộ Tư pháp, hệ thống pháp y tâm thần chỉ có ở ngành Y và từ khi Luật Giám định tư pháp năm 2012 có hiệu lực, hệ thống mạng lưới tổ chức pháp y tâm thần công lập được xây dựng theo mô hình Viện và các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế, đến nay hệ thống gồm có 7 tổ chức trên cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị, quy định tại Điều 12 Luật Giám định tư pháp thì ở cấp Trung ương, tổ chức pháp y có ở cả ngành Y tế, Công an và Quân đội; ở địa phương chỉ có 1 tổ chức giám định pháp y là Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và có giám định viên pháp y làm giám định pháp y tử thi ở một số Phòng Kỹ thuật hình sự. Hệ thống tổ chức giám định pháp y trong ngành Y tế là chủ lực trong hệ thống tổ chức giám định pháp y. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vì một số lý do, lực lượng pháp y ở công an và y tế tại hầu hết các địa phương không còn có sự phối hợp, điều tiết trong việc tiếp nhận, thực hiện giám định. “Giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề phục vụ hoạt động điều tra, truy tố và xét xử giải quyết các vụ việc, vụ án, phụ thuộc vào nhu cầu của hoạt động tố tụng. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm hiệu quả hoạt động, quản lý giám định tư pháp đòi hỏi phải có sự phối hợp, thông tin kịp thời, thông suốt, thống nhất về nhận thức và chủ động, tích cực về hành động của “cộng đồng trách nhiệm” các cơ quan quản lý nhà nước (chung và từng chuyên ngành) và cơ quan tiến hành tố tụng ở các cấp”, theo Bộ Tư pháp.

Từ góc độ ngành Y tế, Bộ Y tế cho biết, các cơ sở pháp y của ngành Y tế hiện đang phát triển theo 3 mô hình (Trung tâm Pháp y; lồng ghép Trung tâm Pháp y - Giám định y khoa trực thuộc và Sở Y tế và mô hình pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh), do vậy có nhiều bất cập, mất đi tính độc lập của cơ sở giám định tư pháp, chậm trong đáp ứng các yêu cầu của cơ quan trưng cầu, khó hòa nhập và phát triển ổn định. “Hiện chưa có Quy chế phối hợp giữa Trung tâm Pháp y cấp tỉnh với Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y tử thi. Các Bộ, ngành liên quan xem xét xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để các cơ sở giám định pháp y cùng phát triển, hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho công tác đấu tranh với tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và nhu cầu giám định tư pháp của người dân”, theo Bộ Y tế.

Có thể thấy, vấn đề “tính độc lập và cơ chế phối hợp - hai vấn đề quan trọng để pháp y phát triển” không chỉ là vấn đề được nêu trên bàn hội thảo. Ngày 27/5/2022, Đoàn kiểm tra công tác pháp y của Bộ Y tế đã làm việc tại tỉnh Lạng Sơn cùng với đại diện Viện Pháp y quốc gia, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Tại đây vấn đề về cơ chế phối hợp giữa các tổ chức giám định cũng được đặt ra. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã giao Trung tâm Pháp y tỉnh làm đầu mối phối hợp Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh nghiên cứu, đề xuất báo cáo lãnh đạo Sở Y tế và Công an tỉnh xem xét, phê duyệt chương trình phối hợp công tác Pháp y Công an và Y tế. Đề nghị Viện Pháp y quốc gia, Trung tâm Giám định Pháp y, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tích cực hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ giám định, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trên địa bàn.

Từ góc nhìn chuyên môn, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc TTPYHN nêu quan điểm: “Nếu trên cùng địa bàn có nhiều tổ chức giám định công lập có chức năng, nhiệm vụ giám định như nhau hoặc cùng lĩnh vực giám định thì nên có cơ chế phối hợp hoặc nghiên cứu phương án thống nhất các tổ chức, trong đó quản lý nhà nước thuộc hệ thống tư pháp, chuyên môn sẽ do các Bộ, ngành chuyên môn đảm nhiệm để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, cũng như lãng phí nhân lực, cơ sở vật chất”.

Đọc thêm