Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhờ làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, theo nghĩa, cứ hai người trong độ tuổi hoạt động kinh tế thì chỉ có một người phụ thuộc. Vấn đề là làm thế nào để tận dụng cơ hội “vàng” này để phát triển đất nước đang là câu hỏi cấp thiết, vì chúng ta đã đi hết 1/3 chặng đường của giai đoạn này. Rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra khi dân số già hóa. Bên cạnh đó, xu hướng “mất cân bằng giới tính khi sinh” đang tăng lên: Năm 2009, cứ 100 bé gái được sinh ra thì trung bình tương ứng có 110,6 bé trai; năm 2014, con số này đã tăng lên 112,2. Nếu xu hướng này tiếp tục tăng sẽ gây hệ lụy cho cơ cấu dân số xã hội nghiêm trọng.
Chính vì thế, mới đây Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 119-KL/TW, trong đó có nội dung quan trọng là đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Tại Kết luận 119 của Ban Bí thư đã có hai điểm rất mới.
Thứ nhất, Kết luận số 119-KL/TW chỉ rõ: “Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.
Thứ hai, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Kết luận số 119-KL/TW khẳng định: “Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế”, do đó “cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển”.
Theo GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), một vấn đề rất quan trọng là trong nhiều năm qua, chất lượng dân số nước ta không ngừng được nâng lên nhưng chưa cao. Năm 2013, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam mới đạt 0,638 điểm, mức trung bình và xếp thứ 121/187 quốc gia, vùng lãnh thổ. Do vậy, theo GS Nguyễn Đình Cử, việc phải có định hướng cho chính sách dân số mới như Kết luận 119 vừa đưa ra là hoàn toàn cần thiết.
Theo GS Nguyễn Đình Cử, để thực hiện chính sách dân số mới với mục tiêu mới, nội dung mới trọng tâm là dân số và phát triển cần có một bộ máy tổ chức thích hợp, với chức năng, nhiệm vụ mới. Ngay từ bây giờ các nhà quản lý và các nhà khoa học phải tư duy nghiên cứu về vấn đề này.
“Tôi cũng rất mong chúng ta sớm có Nghị quyết về chính sách dân số mới, mà trọng tâm xoay quanh mối quan hệ mật thiết giữa dân số và phát triển, soi sáng phương hướng giải quyết các vấn đề về dân số có lợi nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước”, GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.