Đề xuất biện pháp giám sát điện tử trong thi hành án hình sự

(PLVN) - Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành án hình sự (THAHS, sửa đổi). Trong đó, Bộ đề xuất một chương mới quy định về giám sát điện tử.
Một thiết bị GSĐT trong THAHS được một nước châu Á sử dụng. (Ảnh: baotintuc.vn)

Bộ Công an cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đề xuất bổ sung chương mới, gồm quy định về phương thức giám sát điện tử (GSĐT); thực hiện GSĐT; trung tâm GSĐT; trách nhiệm của người bị GSĐT; trường hợp không thực hiện GSĐT.

GSĐT là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này gắn thiết bị điện tử lên bộ phận cơ thể của người bị GSĐT để quản lý, theo dõi vị trí của người đó. Theo dự thảo, người bị GSĐT được gắn 1 thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Khi đi khỏi phạm vi địa bàn cư trú, làm việc, thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan, người quản lý.

Việc giám sát thực hiện qua Trung tâm GSĐT được thiết lập ở cơ quan quản lý THAHS Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, Công an cấp huyện.

Hệ thống máy chủ GSĐT đặt tại cơ quan quản lý THAHS Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ khi gắn thiết bị GSĐT lên cơ thể của người bị giám sát, cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cấp quân khu sẽ thông báo, phân quyền quản lý cho Công an cấp xã biết để trực tiếp thực hiện việc GSĐT.

Thời gian GSĐT bằng thời gian chấp hành án, thời gian thử thách theo quyết định của Tòa án.

Người chấp hành án hình sự đang bị giám sát đi khỏi nơi cư trú mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc có hành vi phá hủy, tháo rời khỏi cơ thể, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị GSĐT sẽ có cảnh báo, cơ quan THAHS cấp huyện, cấp quân khu kịp thời thông báo, trao đổi cho Công an cấp xã, đơn vị quân đội đang quản lý, giám sát đối tượng để kiểm tra, xác minh kịp thời.

Nếu có căn cứ xác định là hành vi tự ý rời khỏi nơi cư trú, phá hủy, tháo rời, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát từ xa mà không thuộc trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; thì Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao theo dõi, quản lý, giáo dục người bị GSĐT có trách nhiệm lập biên bản vi phạm và báo cáo UBND cấp xã hoặc cơ quan THAHS cấp quân khu.

Với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo trong trường hợp này thì được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần thứ nhất.

Khi hết thời gian GSĐT, cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cấp quân khu kết thúc GSĐT và thu hồi thiết bị GSĐT.

Theo dự thảo, Trung tâm GSĐT đặt tại cơ quan quản lý THAHS Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để cập nhật, quản lý, lưu trữ dữ liệu ghi được từ thiết bị GSĐT phục vụ việc theo dõi, quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế, người chấp hành án phạt cấm cư trú, người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành hành phạt tù, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, phạm nhân được trích xuất; và phân quyền quản trị, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm GSĐT đặt tại cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cấp quân khu, Công an cấp huyện.

Trung tâm GSĐT đặt tại cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cấp quân khu phân quyền giám sát cho Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Người bị GSĐT không được tự ý phá hủy, tháo rời khỏi cơ thể, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị GSĐT trong thời gian bị giám sát. Trường hợp cố ý làm hư hỏng thiết bị GSĐT tùy từng mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ, không thực hiện GSĐT với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt quản chế, người chấp hành án phạt cấm cư trú, người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành hành phạt tù trong các trường hợp sau đây:

1. Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận.

2. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.

3. Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cấp quân khu xác nhận.

4. Người được hoãn chấp hành hình phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành hành phạt tù đang bị bệnh nặng.

Đọc thêm