Đề xuất biện pháp mạnh dẹp “tín dụng đen”

(PLVN) - Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, một trong những giải pháp đáng chú ý mà Bộ Công an đề xuất là sửa đổi Điều 201 Bộ luật hình sự (BLHS) theo hướng quy định chế tài nghiêm khắc.
Ảnh minh họa nguồn Internet

Điều 201 BLHS năm 2015 về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì mới bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. 

Cũng ở tội danh này, luật còn quy định, trường hợp phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát quy định, Bộ Công an nhận thấy trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” đang tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn cần kiến nghị, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ. 

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng mới đây,  Bộ Công an đề xuất Thủ tướng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan, trong thời gian tới khi có chương trình sửa đổi BLHS 2015 cần nghiên cứu sửa đổi Điều 201 BLHS theo hướng: Quy định chế tài nghiêm khắc hơn với các khoản thi hành, trong đó khung hình phạt cao nhất phải tương ứng tội phạm từ nghiêm trọng trở lên. Đồng thời đưa một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thành tình tiết định tội hoặc định khung tăng nặng như “phạm tội có tổ chức”, “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Bộ Công an cũng đề nghị liên ngành Tư pháp Trung ương cần phối hợp triển khai xây dựng Thông tư liên tịch quy định về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong phòng chống tội phạm có tổ chức (trong đó có tội phạm liên quan có tính chất “tín dụng đen). Xây dựng hướng dẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với tội phạm quy định tại Điều 201 BLHS.

Cùng với việc chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP theo hướng xử phạt nặng các hành vi cho vay nặng lãi gắn với cầm cố tài sản, bổ sung quy định xử phạt hành vi cho vay tài sản không cầm cố tài sản, ngày 25/10/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có Công văn số 5199/CSĐT-C02 kiến nghị HĐTP TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn Điều 201-BLHS. 

Bộ Công an kiến nghị HĐTP TAND Tối cao cần sớm triển khai xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS, xét chọn vụ án điển hình để lập án lệ đối với loại tội phạm này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và áp dụng thống nhất quy định của điều luật; TAND Tối cao chỉ đạo TAND các cấp đưa ra xét xử án điểm và hạn chế xét xử án treo, xem xét tha tù trước thời hạn đối với các loại tội phạm này để nâng cao tính nghiêm minh và đảm bảo tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm. 

Thống kê của TAND Tối cao cho thấy, từ 1/6/2019-31/5/2020,  trong 240 vụ/471 bị cáo được đưa ra xét xử, TAND các cấp đã tuyên phạt từ 3 năm trở xuống với 269 bị cáo (59 bị cáo hưởng án treo), phạt tiền 104 bị cáo, áp dụng các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ với 98 bị cáo. 

Trong khi các mức án mà các đối tượng cho vay nặng lãi được đánh giá là chưa tương xứng với hành vi phạm tội nên các hình phạt đưa ra chưa có tác dụng răn đe, nghiêm trị, một báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Công an cảnh báo, trong hoạt động “tín dụng đen” đã xuất hiện nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như tổ chức thành đường dây chặt chẽ, phạm nhiều tội có liên quan khác để phục vụ cho hành vi cho vay nặng lãi; số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn với phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; nhiều đối tượng trong nhiều vụ án trang bị vũ khí, hung khí nguy hiểm, khi phát hiện đã rất manh động, liều lĩnh, có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Viện KSNDTC, từ 1/6/2019 đến 31/5/2020, cơ quan chức năng đã khởi tố mới  về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 283 vụ án/545 bị can. Trong tổng số 396 vụ/794 bị can đã khởi tố về tội danh trên (cũ và mới), đã truy tố 307 vụ/649 bị can. 

Trong khi đó thống kê của TAND Tối cao cho thấy, từ 1/6/2019 đến 31/5/2020, TAND các cấp đã thụ lý 357 vụ/781 bị cáo phạm tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo thủ tục sơ thẩm (tăng 313 vụ/683 bị cáo so với cùng kỳ năm trước), đã giải quyết 272 vụ/558 bị cáo, đạt tỷ lệ 76,2% về số vụ/71,4% về số bị cáo.

Đọc thêm