Đề xuất cơ quan hành chính không giải quyết tranh chấp đất đai: Bắt bệnh chưa đúng?

(PLVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa có đề xuất gây chú ý khi kiến nghị Quốc hội xem xét chuyển giao việc giải  quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cơ quan hành chính hiện nay sang tòa án thực hiện.
Người dân bị thu hồi đất sai quy định trình bày sự việc trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại TP HCM

Đề xuất này được nêu ra trong Báo cáo Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2019 mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) thay mặt Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội Khóa XIV. Theo báo cáo này, trong bối cảnh tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã khiến KNTC liên quan đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội.

Bộ TNMT cho rằng việc giải quyết tranh chấp đất đai đang có nhiều tồn tại, vướng mắc cần phải xem xét sửa đổi. Theo Bộ này, theo Điều 203 Luật Đất đai thì thẩm quyền của giải quyết tranh chấp với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; nếu không đồng ý quyết định giải quyết lần đầu thì có thể khiếu nại đến cơ quan hành chính cấp trên (UBND cấp tỉnh hoặc Bộ TNMT). “Quy định hiện hành dẫn đến việc giải quyết lần 2 là giải quyết khiếu nại với quyết định giải quyết lần đầu, dẫn đến vụ giải quyết tranh chấp đất đai trở thành giải quyết khiếu nại gây khiếu kiện phức tạp, kéo dài”, quan điểm của Bộ TNMT.

Bộ TNMT cho rằng Quốc hội nên sửa đổi điều luật theo hướng quy định rõ hoặc là việc giải quyết tranh chấp đất đai do TAND giải quyết (kể cả trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất); hoặc việc giải quyết tại cơ quan hành chính (UBND các cấp) chỉ giải quyết lần đầu, việc giải quyết lần 2 do TAND giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, Bộ này đề xuất cần bổ sung quy định thời gian hiệu lực của quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp.

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng đề xuất trên là “bắt bệnh” chưa đúng. Luật sư (LS) Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề không phải cơ quan nào giải quyết tranh chấp đất đai; mà mấu chốt, quan trọng nhất là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai và những việc có liên quan. Ví dụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải công khai trên thực tế, trên cổng thông tin điện tử của địa phương để ai cũng có thể vào mạng tra cứu, nắm bắt. 

Đồng tình, LS Vũ Văn Đồng (Trưởng Văn phòng LS Miền Trung - Hà Nội) cũng cho rằng, vấn đề thẩm quyền không phải là yếu tố then chốt, quyết định dẫn đến việc tồn đọng, kéo dài. Mà vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý giải quyết và trách nhiệm cán bộ, công chức trong thi hành công vụ nói chung và các vụ việc đất đai nói riêng mới là điều cần bàn và khắc phục. 

LS Đồng cho hay, không chỉ ở cơ quan hành chính, tồn đọng án đất đai tại tòa án cũng không ít. Có những vụ án kéo dài tới tận 15 năm, TAND Cấp cao hủy án sơ thẩm và phúc thẩm nhiều lần do vi phạm về tố tụng cũng như sai sót về nội dung. “Điều này cho thấy nếu hoàn toàn chuyển thẩm quyền cho tòa án trong giải quyết tranh chấp đất đai để tránh khiếu tố kéo dài, phức tạp như quan điểm của Bộ TN&MT cần phải cân nhắc”, LS Đồng nói. 

Để khắc phục, LS Từ cho rằng cần có sự thay đổi quyết liệt, mạnh mẽ trong giải quyết tranh chấp đất đai, trong đó cần thay đổi về ý thức và hành động của các cơ quan chức năng. Trước tiên là UBND các cấp phải tiên phong trong cung cấp chứng cứ khi tòa án yêu cầu cung cấp hoặc trực tiếp đứng ra hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai khi vụ việc tranh chấp được đương sự lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền. 

Đồng thời, các LS cũng cho rằng, UBND các cấp, tòa án cần có cơ chế để tuyển dụng được những cán bộ tâm huyết, hiểu pháp luật, giải quyết tranh chấp đất đai một cách công tâm. Bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm tiêu cực trong khi giải quyết tranh chấp đất đai. 

Đọc thêm