Đề xuất đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng ngăn biến đổi khí hậu ở miền Tây

(PLVN) - Gần 18.000 tỷ đồng được đề xuất để thực hiện các dự án ngăn biến đổi khí hậu ở 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện một số Bộ và 10 tỉnh ĐBSCL đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đoạn đê biển Đông thuộc địa bàn TP Bạc Liêu bị sạt lở đầu tháng 8/2024.

Dự án gần 18.000 tỷ đồng

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), dự án chống chịu biến đổi khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (dự án MERIT) sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và An Giang.

Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch. Từ đó tạo ra công việc, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Tổng số vốn đầu tư của dự án là 17.759 tỷ đồng (741 triệu USD), gồm vốn vay 13.092 tỷ đồng (545 triệu USD), vốn đối ứng 4.288 tỷ đồng, vốn viện trợ 379 tỷ đồng. Trong số đó, phần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là 6.579 tỷ đồng và 10 tỉnh vùng ĐBSCL là 11.180 tỷ đồng. Dự án áp dụng cơ chế tài chính ngân sách trung ương cấp phát 90% vốn vay, ngân sách các địa phương vay lại 10% vốn vay theo quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Mục tiêu dự án nhằm tăng cường tính chống chịu khí hậu của hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư nông thôn tại các địa phương.

Tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất dự án. Đến ngày 7/8/2024, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNN rà soát ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định sự phù hợp của các dự án MERIT của 10 địa phương với tiêu chí phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2024.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính tổng hợp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện tờ trình và dự thảo nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 22/8/2024 thay thế Nghị quyết số 108/NQ-CP, sửa đổi, bổ sung điểm a mục 5 Nghị quyết số 41/NQ-CP.

Họp bàn thực hiện dự án

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành Trung ương và 10 tỉnh ĐBSCL về tiến độ đề xuất dự án MERIT. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, để thúc đẩy thực hiện dự án MERIT, 10 địa phương tham gia dự án khẩn trương rà soát lại các công việc cần thực hiện để hoàn thiện các sồ sơ, thủ tục của dự án và thực hiện đầy đủ các nội dung theo thông báo Kết luận số 366/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Qua đó, kịp thời có báo cáo bằng văn bản gửi Bộ NN&PTNT và các đơn vị có liên quan trước ngày 15/8/2024.

Các địa phương cần có văn bản khẳng định sự phù hợp của dự án MERIT tại địa phương với tiêu chí phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định. Rà soát, khẳng định tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn đối ứng tại địa phương cho việc thực hiện dự án... Các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cần tập trung đẩy nhanh những nội dung, công việc được giao và quan tâm hỗ trợ các địa phương hoàn thiện báo cáo và hồ sơ, thủ tục phục vụ dự án.

Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, những dự án MERIT rất cần thiết cho các tỉnh ÐBSCL trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, điều tiết nước, chống xâm nhập mặn, chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như bảo đảm sinh kế cho người dân. Tỉnh Bạc Liêu có 3 hợp phần liên quan đến 34 cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh, nhằm khép kín hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đáp ứng đa mục tiêu. Tỉnh sẽ tiến hành rà soát từng hạng mục cho phù hợp với việc sử dụng vốn vay, vốn đối ứng.

Tại Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam cho hay, trong khuôn khổ dự án, tỉnh được đầu tư xây dựng 2 âu thuyền gồm Bãi Xàu và Đại Ngãi. Hai công trình này sẽ góp phần giúp địa phương kiểm soát tốt xâm nhập mặn. Đồng thời, kết hợp với một số công trình đã được đầu tư, sẽ giúp địa phương hoàn thiện cụm công trình kiểm soát nguồn nước, tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

Đây được xem là các hoạt động nhằm tăng khả năng chống chịu, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội các dự án mang lại; phù hợp với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và thuộc danh mục, nhiệm vụ dự án ưu tiên của các tỉnh...

Đọc thêm