Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc
Theo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Bộ Y tế trình Chính phủ, dự án Luật dự kiến có 5 nhóm chính sách, bao gồm điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý trong giám định và thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Trong đó, đối với nhóm chính sách điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án. Đáng chú ý, tại phương án 2 đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động (NLĐ). Theo đó, nhóm thân nhân NLĐ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; 70% còn lại do NLĐ và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó NLĐ đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với NLĐ). Quy định cơ chế khuyến khích đóng BHYT một lần cho tối đa 3 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia BHYT. Còn phương án 3 đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Theo đánh giá tác động của Bộ Y tế, về kinh tế, trong 3 phương án, phương án 2 mở rộng diện bao phủ, cải thiện sức khỏe người dân, góp phần tăng nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động. Quỹ BHYT cũng có thêm nguồn thu, tính riêng quy định đưa thân nhân lao động vào diện đóng bắt buộc giúp tăng từ 1.159 tỷ đến 3.819 tỷ đồng. Nhà nước giảm gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội sau này.
Tính toán gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương nhìn nhận, đứng về phía NLĐ, khi mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với thân nhân NLĐ, NLĐ sẽ yên tâm hơn vì khi tham gia lao động, thân nhân của họ cũng sẽ được hưởng quyền lợi về y tế. Điều này cũng có tác dụng tích cực với doanh nghiệp (DN) vì họ sẽ dễ dàng thu hút được NLĐ hơn.
Tuy nhiên, đứng về phía DN, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ “e ngại” vì theo đề xuất, DN sẽ phải đóng 2/3 trong tổng mức đóng là 70% của thân nhân NLĐ. Dẫn báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế, đại biểu cho biết, nếu được thực hiện chính sách này, DN sẽ phải tăng chi từ khoảng 541 tỷ đến 1.782 tỷ đồng để hỗ trợ thân nhân NLĐ tham gia BHYT. Điều này sẽ tăng gánh nặng chi phí cho DN trong thời điểm chúng ta vừa trải qua đại dịch COVID-19, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Đại biểu, ở thời điểm hiện nay, phải đánh giá tác động rất kỹ lưỡng vấn đề này. “Đương nhiên, việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ là rất tốt nhưng trong bối cảnh hàng loạt các DN phải cắt giảm nhân công, cắt giảm giờ làm vì thiếu đơn hàng, không kinh doanh được như hiện nay thì liệu chúng ta đã nên sử dụng giải pháp này hay chưa? Cần đánh giá tác động rất kỹ và tính toán thời điểm cho hợp lý. Ở thời điểm hiện nay, DN vực dậy được đã rất khó khăn. Nếu DN không phát triển được thì đương nhiên phải cắt giảm nhân công, cắt giảm giờ làm, khi đó quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng trước tiên và rõ rệt nhất”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích. Do vậy, cần cân nhắc giữa việc bảo đảm an sinh, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và thân nhân NLĐ với việc tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho DN.
Mặt khác, theo tính toán, nếu thực hiện đề xuất này, Nhà nước sẽ phải tăng chi dao động từ 348 tỷ - 1.146 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thân nhân NLĐ tham gia BHYT. “Đây là một chính sách an sinh nhưng cần phải có sự khảo sát, đánh giá tác động thật kỹ, một mặt tính đến nguồn lực chính là ngân sách nhà nước phải bỏ ra qua từng năm và thứ hai là phải tính toán tác động đến “sức khỏe” của DN trong thời điểm hiện nay”, Đại biểu nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng cho rằng, khi so sánh giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực về kinh tế thì các tác động tích cực của phương án 2 mang lại nhiều giá trị và về tương lai sẽ có tác động bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế nguồn thu ngân sách còn hạn chế, các DN cũng đang trong giai đoạn khó khăn đặc biệt sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện theo phương án 2 sẽ có tác động lớn làm tăng chi từ ngân sách nhà nước và cho DN. Vì vậy, trước mắt, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn phương án 1. Phương án 2 sẽ được cân nhắc để thực hiện trong lần sửa đổi tổng thể Luật BHYT trong thời gian tới.
Theo dự kiến, dự án Luật trên sẽ được trình QH cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, QH khóa XV khai mạc vào tháng 5 tới, để có hiệu lực cùng thời điểm với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh từ 1/1/2025.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.