Ngày 23/4, tiếp tục thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.
Chính phủ được giao hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Với việc giảm thuế như trên, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo đề nghị của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp và khó đạt được mục tiêu đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hòa qua một thời gian dài thực hiện.
Thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 để kích cầu tiêu dùng, ứng phó với biến động phức tạp của thương mại kinh tế thế giới hiện nay. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng khác năm sau đưa đất nước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Làm rõ vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nêu rõ, dự kiến chi ngân sách trong năm 2025 sẽ tăng lên. Bởi khi chúng ta tinh giản bộ máy, riêng việc trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, theo thống kê chưa đầy đủ là khoảng 170 nghìn tỷ đồng. “Ngoài ra, cần chi khoảng 30.000 tỷ đồng giảm học phí. Sắp tới chúng ta thực hiện một số chính sách về bảo hiểm y tế, chính sách khác thì chi có thể tăng lên”, Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn các nước, chỉ 10%, trong khi đó 4 năm nay giảm còn 8%. Đây là một ưu tiên để bảo đảm doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch COVID-19 cũng như đối phó với việc áp một số loại thuế mới trên thế giới.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Chính phủ cần chú ý thực hiện chính sách để bảo đảm mục tiêu đặt ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc; chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi được dự toán trong năm 2025 và các yêu cầu cấp bách phát sinh, cũng như dự toán ngân sách nhà nước năm 2026… Đồng thời, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ tăng tính thuyết phục trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới.