Đề xuất giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022

(PLVN) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay. Theo đó, Bộ đề nghị giảm 50% thuế đến hết năm 2022.

Khó khăn chồng chất

Tháng 7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020, trong đó quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít tườn đương với giảm 30% so với quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022 mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 với mức là 3.000 đồng/lít. Tương đương số thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ tháng 8/2020 (thời gian bắt đầu giảm 30% mức thu) đến hết tháng 9/2021 giảm 1.072 tỷ đồng. Tổng thu NSNN bao gồm thuế BVMT và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhiên liệu bay từ tháng 8/2020 đến hết tháng 9/2021 giảm 1.179 tỷ đồng. Khoản giảm thu thuế BVMT chính là khoản hỗ trợ tài chính của Nhà nước để góp phần giảm gánh nặng chi phí của ngành hàng không vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khó khăn chồng chất khó khăn, theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế bị đóng băng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục giảm so với năm 2020 và lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ đồng của năm 2020; số tiền nộp ngân sách năm 2020 dự kiến giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong khi nguồn thu giảm mạnh thì mỗi tháng các hãng hàng không vẫn phải chi để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng, trả lương nhân viên... Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJA) và Bamboo Airway (BAV) hiện đã lên tới 50.000 tỷ đồng (tính đến 30/6/2021 nợ quá hạn của VNA là 13.337 tỷ đồng; khoản vay ngắn hạn và nợ quá hạn của VJA là 13.800 tỷ đồng; số nợ của BAV cũng lên tới gần chục ngàn tỷ đồng...).

Giảm từ 3.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng virut mới với tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm sẽ còn tiếp tục tác động rất lớn đến thế giới và khiến cho quá trình phục hồi nền kinh tế nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm lại. Do đó, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó có giải pháp về thuế BVMT để giúp các hãng hàng không vượt qua tác động của dịch Covid-19, tạo tiền đề để ngành hàng không duy trì tồn tại và tiếp tục phục hồi trong tương lai, từ đó giúp thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và đặc biệt là ngành du lịch.

Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với mức quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.

Theo Bộ Tài chính, với việc tiếp tục áp dụng giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, cụ thể giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế GTGT giảm tương ứng là 1.500 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế GTGT giảm tương ứng là 1.515 đồng/lít. Đây là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, góp phần giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành hàng không.

Bên cạnh đó, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Bên cạnh vai trò chính là huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải thì ngành hàng không còn góp phần thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dụ lịch... Việc giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay xuống còn 1.500 đồng/lít để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...

Vẫn theo Bộ Tài chính, trước tác động trực tiếp của dịch Covid-19, rất nhiều lao động trong ngành hàng không bị mất việc làm. Việc tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay trong năm 2022 sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp hàng không vận hành hoạt động trong bối cảnh đã suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản, từ đó góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động trong ngành hàng không nói chung và tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ..., góp phần thực hiện đảm bảo an sinh xã hội./.

Đọc thêm