Đề xuất hai phương án tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

(PLVN) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, sẽ có hai phương án tăng lương hưu, trợ cấp trong thời gian tới.
Ảnh minh họa

Nhiều đối tượng sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng trong thời gian tới là những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước thời điểm điều chỉnh. Và bổ sung điều chỉnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung mà có lương hưu, trợ cấp dưới 2.500.000 đồng/tháng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, hiện tại chưa có quy định, văn bản xác định cụ thể về mức lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng ở mức thấp. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ, việc đề xuất mức lương hưu, trợ cấp dưới 2.500.000 đồng/người/tháng là mức lương hưu, trợ cấp là mức thấp so với mức sống của người Việt Nam hiện tại. 

Cụ thể, theo số liệu thống kê thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD/người/năm (tương đương 6,7 triệu đồng/tháng), năm 2021 dự kiến là 3.700 USD/người/năm (tương đương 7 triệu đồng/tháng). Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 bình quân là 3.710.000 đồng/tháng. Mức chuẩn nghèo của giai đoạn 2022-2025 là dưới 2.000.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị và dưới 1.500.000 đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Như vậy, mức 2.500.000 đồng/tháng bằng 36% mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2021 và bằng 67,4 % mức lương tối thiểu vùng. 

Đồng thời, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam ước đến hết 31/12/2020, những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước, số người đang hưởng lương hưu là khoảng 945 nghìn người, mức lương hưu, trợ cấp BHXH bình quân là 3.834.956 đồng/tháng, việc lựa chọn mức 2.500.000 đồng/tháng thì tương đương với 65% mức lương hưu của những người nghỉ hưu trước năm 1995. Theo đó, sẽ có khoảng 426 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp ở mức dưới 2.500.000 đồng/tháng. Chính vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 thời điểm thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong thời gian tới. 

Ưu nhược điểm hai phương án 

Phương án 1: Việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được thực hiện từ ngày 01/7/2021. Nếu thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước là 925.189 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2021 (6 tháng) là 44.538 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ BHXH chi trả ước là 2.153.622 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2021 (6 tháng) là 144.585 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế).

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá ưu điểm của phương án này là người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được thực hiện điều chỉnh lương hưu ngay trong năm 2021, trong khi năm 2020 không thực hiện điều chỉnh sẽ tạo tâm lý phấn khởi đối với các đối tượng thụ hưởng. 

Tuy nhiên, nhược điểm lại là, thực tế chưa có phân bổ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho việc điều chỉnh. Nếu điều chỉnh Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại các nguồn kinh phí và báo cáo Quốc hội trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, năm 2021 không thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nên việc điều chỉnh tăng lương hưu trong năm 2021 sẽ tạo tâm lý so sánh giữa người nghỉ hưu và người tiếp tục làm việc, giữa những người nghỉ trước thời điểm điều chỉnh (được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH) và sau thời điểm điều chỉnh (không được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH).

Phương án 2: Việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được thực hiện từ ngày 01/01/2022. Nếu thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ BHXH chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế).

Về ưu điểm của phương án này: Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong năm 2021 thì Chính phủ sẽ xem xét để trình Quốc hội bố trí nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh và đưa vào Nghị quyết về ngân sách nhà nước năm 2022. Cùng với đó, năm 2022, dự kiến triển khai Đề án cải cách tiền lương, do đó việc thực hiện điều chỉnh lương hưu trong năm 2022 cũng sẽ khắc phục khoảng cách về thu nhập và sự so sánh giữa người tại chức với người nghỉ hưu, giữa người nghỉ hưu trước với người nghỉ hưu sau thời điểm điều chỉnh. 

Trong khi đó, nhược điểm là: Trong cả hai năm 2020 và năm 2021 Chính phủ không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH phải chờ đến năm 2022 mới được điều chỉnh sẽ tạo tâm lý chờ đợi.

Về điều chỉnh lương hưu thấp, đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo mức trợ cấp chung mà có mức lương hưu, trợ cấp thấp hơn 2.500.000 đồng/tháng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức hưởng được điều chỉnh cụ thể như sau: Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đối với nhóm đối tượng thì có khoảng 426 nghìn người được điều chỉnh; dự kiến kinh phí tăng thêm nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/7/2021 là 348 tỷ đồng; nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 là 700 tỷ đồng. 

Đọc thêm