Đề xuất “hoang tưởng”

(PLVN) - Chỉ mới chưa đầy ba tháng sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra đời xử phạt nặng những tài xế “ma men”, hàng triệu người còn đang vui vì hết cảnh bị ép bia, rượu, thoát cảnh phải chứng kiến những ca tai nạn do người uống rượu, bia gây ra hàng ngày, thì Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) lại đưa ra một kiến nghị gây bất ngờ.
Đề xuất "sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn" của Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát được cho là "hoang tưởng"

Công văn gửi đến Chính phủ và một số bộ, ngành có nội dung khá dài, nhưng cơ bản có mấy nội dung chính sau: Thứ nhất, VBA cho rằng mỗi năm đóng góp ngân sách hơn 60 ngàn tỷ và “có các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”. Thứ hai, VBA cho rằng do tác động kép của dịch Covid-19 và đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, năm nay ngành công nghiệp rượu, bia sẽ sụt giảm tới 20% lượng tiêu thụ.

Thứ ba, VBA giải thích kiểu “dây cà dây muống” rằng, lượng tiêu thụ rượu, bia giảm thì quán ăn vắng người; ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, lương thực, thực phẩm rớt giá; “sẽ có tác động ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung, dẫn đến tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng cao và nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ giảm. Do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều trở ngại nên các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của các doanh nghiệp trong những năm trước đây cũng sẽ bị giảm theo”.

“Chốt” lại vấn đề, VBA đưa ra một loạt đề nghị như giảm một số loại thuế phí, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Và đặc biệt, “sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn”. Nói tóm lại, VBA muốn phạt các “tài xế ma men” nhè nhẹ thôi.

Không ai phủ nhận những đóng góp của ngành công nghiệp rượu, bia cho ngân sách. Có điều trong bản báo cáo này, chỉ nhắc đến mặt phải của rượu, bia, mà không nhắc đến vô số góc khuất tệ nạn say xỉn gây ra. Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Công cộng) từng đưa ra ước tính tổn thất do rượu, bia gây ra ở Việt Nam lên tới 65 ngàn tỷ đồng.

Nhiều người Việt nhiều năm từng xấu hổ khi theo một số đánh giá quốc tế, Việt Nam “giành giải” về tiêu thụ rượu, bia trong khu vực và thế giới. Bao gia đình đã tan cửa nát nhà vì chồng “ma men”? Bao bệnh tật đã phát sinh sau triền miên năm tháng làm bạn với những ly rượu, cốc bia?

Vấn đề tác hại của rượu, bia gây ra lớn hơn nhiều so với những lợi ích rượu, bia mang lại; là điều thực tế đã khẳng định bấy lâu nay, không thể chối cãi. Chính vì vậy mà sau bao năm nghiên cứu bàn thảo lấy ý kiến, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã ra đời. Thế nên đề xuất của VBA bị đánh giá không chỉ là lạc điệu, lạc lõng, mà thậm chí có phần “hoang tưởng”.

Đọc thêm