Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa gửi văn bản báo cáo hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa lên bộ GTVT. Qua đó, Tổng cục đường bộ cũng nêu lên thực trạng và đề nghị các phương án hạn chế hiện tượng phổ biến nhưng khá ảnh hưởng đến ATGT cũng như chất lượng đường bộ.
Theo Tổng cục đường bộ, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước thời gian gần đây, trên cả 3 vùng: miền Bắc (QL5, QL3, QL1A đoạn Phủ Lý,...), miền Trung (QL1A, QL7, QL8,...) và miền Nam (QL1A, Đại lộ Đông Tây,...)... Hằn lún vệt bánh xe có thể làm cho hư hỏng kết cấu mặt đường và làm trơn trượt khi xe chạy, gây nguy hiểm tới an toàn chạy xe, đặc biệt trong điều kiện trời mưa hoặc vào ban đêm.
Một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa là do quá trình biến đổi khí hậu, sự xuất hiện những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo kết quả phân tích của Tổng cục đường bộ, tại 3 trạm cân lắp đặt tại QL1 và QL10 trong dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ cho thấy tỷ lệ xe vượt tải quá mức cho phép 24 tấn chiếm 49 % số xe của loại này; vượt mức cho phép 30 tấn chiềm 50 %; vượt mức cho phép 40 tấn chiếm 42 % số xe; với khoảng 16 % vượt hơn hai lần mức cho phép và có một số xe có tổng tải trọng lên đến 110-116 tấn.
Khi xe chở quá tải trọng tỷ lệ thuận với sự ảnh hưởng của tải trọng trục tác dụng lên mặt đường dẫn đến mặt đường bê tông nhựa nhanh chóng bị trùng phục, phá hủy.
Hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường là một dạng hư hỏng điển hình của mặt đường mềm liên quan đến hầu hết tất cả các nguyên nhân như: thiết kế vật liệu, thiết kế kết cấu, gia công chế tạo vật liệu, chất lượng thi công, điều kiện khai thác, sự làm việc của nền móng và các lớp vật liệu mặt đường, tác động của môi trường,…
Ngoài những biện pháp về kỹ thuật và nhân lực, Tổng cục đường bộ đã đề nghị Bộ GTVT bố trí đủ kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ để có cơ sở triển khai thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả và thực hiện tốt việc khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
H.P.