Trước đó trong một kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các dự án BOT, Bộ KHĐT đã đề nghị giao Bộ Tài chính (BTC) thành lập một loại quỹ với tên gọi Quỹ bảo đảm an toàn nguồn vốn (BĐATNV) đầu tư cho các dự án BOT đường bộ. Nguồn thu của Quỹ được trích từ phí sử dụng đường bộ, tức tiền người dân, doanh nghiệp phải trả ở những trạm thu phí.
Rất may, BTC không đồng tình với đề xuất thành lập Quỹ BĐATNV.
Theo Bộ KHĐT, Quỹ sẽ được dùng cho hai trường hợp: Một là, nếu Nhà nước cần mua lại các dự án BOT đường bộ, số tiền từ Quỹ sẽ được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; hai là, nguồn tiền từ Quỹ sẽ dùng để chi trả cho nhà đầu tư khi dự án không có khả năng thu hồi vốn. Ơ hay, thế này thì trăm nhà đều muốn làm BOT. Này nhé, khi làm thì vay vốn ngân hàng, lãi thì bỏ túi, ngộ nhỡ rủi ro (thường là ít có, bởi dự án BOT nào mà không có lãi?) thì đã có Nhà nước cứu.
Trong văn bản gửi Chính phủ, BTC khẳng định, nếu trích Quỹ BĐATNV từ nguồn thu phí của tất cả các dự án BOT để chi trả BĐATNV của một số dự án BOT khác “là không hợp lý, không đúng nguyên tắc tính giá, kéo dài thời gian thu phí của các trạm thu phí, gây khó khăn cho việc hoàn vốn của các dự án”. BTC đề nghị Thủ tướng không nghiên cứu thành lập Quỹ BĐATNV đầu tư như kiến nghị của Bộ KHĐT do “thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn”.
Dư luận đặt ra câu hỏi “Bộ KHĐT dựa vào đâu để đưa ra ý tưởng lạ lùng, bảo vệ tuyệt đối nhà đầu tư BOT?”. Dư luận lâu nay đã rất bức xúc trước việc các hợp đồng BOT xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường bộ là chưa đúng (Rõ nhất là dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ); trong khi đó đang tồn tại quá nhiều điều khoản bảo vệ nhà đầu tư.
Đầu tư BOT không có gì rủi ro. Rất nghịch lý là trong một hợp đồng làm đường theo hình thức BOT có quy định khi mật độ xe ít cũng có điều khoản tăng thời gian thu phí hoặc tăng giá thu phí, nhỡ thiên tai địch họa người dân cũng không hề được giảm mức phí (thiên tai mà ảnh hưởng mật độ giao thông chủ đầu tư BOT lại được kéo dài thời gian thu phí).
Như vậy làm gì có rủi ro cho nhà đầu tư BOT mà cần phải thành lập Quỹ BĐATNV? Nếu Quỹ trên được thành lập sẽ gây áp lực với nền kinh tế, áp lực lên vai người dân như thế nào?
Đã thị trường có nghĩa là có lợi nhuận, có rủi ro. Do vậy, có cơ sở để nghi ngờ rằng đề xuất của Bộ KHĐT nhằm đảm bảo quyền lợi tuyệt đối cho nhà đầu tư chứ không có gì khác.
Dư luận có quyền nghi ngờ “lợi ích nhóm” trong việc thực hiện các dự án BOT về giao thông hiện nay!