Đề xuất quy định về loại hình kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ trong Dự án Luật Đường bộ

(PLVN) - Sáng 24/11, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự án Luật Đường bộ, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định về loại hình kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ trong dự thảo Luật này.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề, về kinh doanh vận tải bằng ô tô, dự thảo Luật nêu rõ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Theo đại biểu, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải có hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo Luật mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Như vậy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ.

"Đây được xem là loại hình kinh doanh mang tính chất đặc thù, ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định như trong dự thảo Luật", đại biểu nói và đề nghị cần quy định rõ để tạo cơ sở pháp lý cho loại hình kinh doanh này ngay trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, đại biểu nêu thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón.

“Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, Luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng để phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Góp ý cụ thể về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, đại biểu cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả 2 luật mà không trùng nhau, nhưng đại biểu cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách để phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách, các quy định còn lại có thể chuyển hết sang quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để thuận lợi cho người áp dụng.

Theo bà Thoa, hiện nay, Điều 76 của dự thảo Luật không quy định nhiều nội dung, nhưng còn dài, chủ yếu là các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn và dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan, trong đó còn một số quy định chưa hợp lý.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở mọi cấp độ đều đảm bảo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật.

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ cho phù hợp, bảo đảm phân biệt phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về tên gọi của dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng giao thông đường bộ phải có người dân và phương tiện vận tải tham gia chứ không chỉ có kết cấu giao thông và vận tải giao thông. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình cụ thể hơn; chỉ rõ hơn những nội dung bất cập của Luật hiện hành cũng như lý do vì sao chỉ đặt tên là Luật Đường bộ...

Trong khi đó, phát biểu tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) lại cho rằng, tên dự án Luật cần tập trung nêu bật được ý nghĩa của luật và càng ngắn càng tốt.

Nếu đổi tên để mang đầy đủ ý nghĩa của luật là không cần thiết và rất dài. Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm tên dự thảo Luật là Luật Đường bộ là đã đầy đủ.

Đọc thêm