Thể chế hóa chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng thời, thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thể chế hóa chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".
Việc này cũng nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
Dự thảo Luật gồm 2 điều, Điều 1 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Điều 2 Hiệu lực thi hành
Đánh giá toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm, phân cấp
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND với những lý do như đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban QPAN thấy rằng, việc sửa đổi một số quy định của Luật CAND năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ QH triển khai thực hiệnKết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH khóa XV; thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng CAND tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND còn nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ủy ban QPAN cho rằng, đến nay đã đủ điều kiện chín muồi để báo cáo và trình QH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND.
|
Toàn cảnh phiên họp. |
Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới nêu rõ, Ủy ban QPAN nhất trí với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng của dự thảo Luật, bởi nội dung này cơ bản được kế thừa từ quy định hiện hành, bảo đảm thống nhất quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất, góp phần tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của sĩ quan được thăng cấp bậc hàm, bảo đảm về thời gian lãnh đạo, chỉ huy tiếp theo của cấp bậc hàm được thăng.
Về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, Ủy ban QPAN nhất trí bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, tạo sự minh bạch, chặt chẽ trong quy trình thực hiện. Đồng thời, đề nghị rà soát nghiên cứu, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về các tiêu chí, điều kiện…
Về bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng không vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.
Ủy ban QPAN cũng nhất trí với quy định sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp với tinh thần Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, Ủy ban QPAN nhất trí bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng (điểm a khoản 3 Điều 1); về cấp bậc hàm cấp tướng đối với đơn vị thành lập mới (điểm b khoản 3 Điều 1); về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an TP thuộc TP trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng (điểm c khoản 3 Điều 1). Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy trên dưới trong CAND.
Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Ủy ban QPAN nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 3 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi là mức tăng đáng kể, trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 2 tuổi để phù hợp với môi trường công tác đặc thù của lực lượng CAND.