Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 500.000 đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Nếu phương án này được Chính phủ phê duyệt thì các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 19, khoản 1 và 2 Điều 20, khoản 1 Điều 25 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 1/7/2024.
Tại Tờ trình dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến nếu phương án này được thực hiện từ ngày 1/7/2024, thì năm 2024 ngân sách nhà nước cần bố trí thêm 4.718 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, để thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng (với mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng) cho khoảng 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 349.000 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng để bảo đảm đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013 và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Theo Tờ trình dự thảo cho biết, đến nay cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356 % dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (bao gồm 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, 1,6 triệu người hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, 21 nghìn trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, 146 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi, 84 nghìn người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi) và hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và đối tượng bảo trợ xã hội.
Hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 20/2021/NĐ-CP, một số vấn đề bất cập, vướng mắc đã nảy sinh, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn.