Đề xuất tháo gỡ những quy định gây vướng cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  11 Hội, Hiệp hội doanh nghiệp ngành Nông nghiệp đề xuất tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực hoạt động của mình, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang.

Nhiều quy định gây khó

Kiểm dịch đối với thực phẩm đã qua chế biến đang là vấn đề nóng của ngành thủy sản khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhiều lần “kêu” trên các diễn đàn. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh, cần phải phân biệt rõ thực phẩm và sản phẩm tươi sống. Bởi thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm là thực phẩm nhưng cơ quan chuyên ngành về thú y vẫn vào để kiểm dịch theo quy định.

“Ở các quốc gia khác, họ quy định rất rõ thực phẩm là sản phẩm đã qua chế biến. Khi đó, việc nhập khẩu (NK) và xuất khẩu không cần kiểm dịch mà chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Bộ NN&PTNT cũng cần nghiên cứu để hoàn thiện các văn bản QPPL phù hợp với thông lệ quốc tế…” - đại diện VASEP đề nghị.

Cũng liên quan đến kiểm dịch, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam phản ảnh, hiện sản phẩm sữa NK vẫn phải kiểm dịch và đề nghị cần bãi bỏ quy định này bởi các sản phẩm sữa chế biến, có bổ sung thêm canxi, collagen… thì không còn vi khuẩn gây bệnh.

Đại diện Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam (VVPA), bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch VVPA phản ánh, hiện vaccine, thuốc thú y, nhiều vật tư dùng trong chăn nuôi xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn). Nhưng thực tế, đây là những sản phẩm được sản xuất trong điều kiện nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, nhiều sản phẩm gần như không gây mất an toàn. Do vậy, Bộ cần xem xét không nên để tất cả các vật tư thú y vào nhóm 2.

Bà Hương cũng cho rằng cần bãi bỏ chứng nhận hợp quy đối với thuốc thú y vì sản phẩm này đã được kiểm soát theo GMP, đăng ký lưu hành đầy đủ hơn so với hợp quy. Mặt khác, thuốc thú y NK cũng không có hợp quy, các nước NK thuốc của Việt Nam cũng chỉ yêu cầu được chứng nhận GMP. “Nếu quản lý hợp quy sẽ rất chồng chéo, thêm khâu quản lý, làm mất thời gian chi phí của DN, làm tăng giá thành, giảm sự cạnh tranh của sản phẩm…”- Đại diện VVPA phân tích.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế và chưa đầy đủ, gây khó khăn khi thực thi. Đơn cử như khái niệm về khu dân cư, chăn nuôi nhỏ lẻ, hay các quy định về loa phát thanh chim yến, biện pháp xử lý rác thải, mật độ chăn nuôi, nguồn cung cấp nước cho khu vực chăn nuôi… cũng chưa rõ. Một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, như quy định về chứng nhận hợp quy cho DN sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi đang gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho DN.

Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội DN Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho biết, mặc dù Thông tư ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng được ban hành từ đầu năm, tuy nhiên, do dịch Covid-19, chưa tổ chức họp Hội đồng tư vấn nên chưa ban hành được Danh mục. “Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV của tổ chức, cá nhân…”- ông Sơn nói.

Sửa văn bản, sửa cả thái độ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, ngành Nông nghiệp đang quản lý, cấp phép khoảng 20 loại giấy chứng nhận đến hẹn phải cấp lại. Theo quy định, khi hết hạn thì cơ quan quản lý phải đi kiểm tra để cấp lại. Tuy nhiên, trong điều kiện COVID-19, Bộ sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết để điều chỉnh quy định này để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ trưởng cũng thừa nhận, các hoạt động về cấp phép kiểm dịch trong xuất nhập khẩu hiện nay còn một số vướng mắc, mặc dù ngành đã giảm từ trên 300 mã hàng hóa (HS) phải kiểm tra xuống còn 157 mã. “Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập tổ rà soát các văn bản QPPL để tháo gỡ khó khăn cho DN và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các tổ công tác trực tiếp trao đổi, gặp gỡ để chia sẻ về những vấn đề bất cập. Nhờ đó, Bộ thấy rằng có 7 Nghị định và 2 Thông tư cần phải sửa đổi và dự kiến thời gian sửa đổi từ nay đến cuối năm nay…” - Thứ trưởng cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thực tế trong quản lý của ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều quy định các bên đều cho là đúng nhưng khi triển khai thực tế đôi khi khiến hiệu quả công việc không cao. “Bộ NN&PTNT tạo môi trường cho DN đầu tư vào nông nghiệp thì ngoài sửa cơ chế, chính sách, văn bản QPPL thì phần quan trọng không kém nữa là sửa thái độ làm việc. Một nền hành chính đúng nghĩa thì thái độ phải là gốc, cần thay đổi…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm