Đêm giao thừa ở các quốc gia châu Âu

(PLVN) - Ném đồ đạc cũ ra khỏi nhà, đập bát đĩa, ăn 12 quả nho trùng với 12 tiếng chuông đêm giao thừa, uống hết rượu vang trong nhà, hay ôm đá đi qua cửa… là những tục lệ rất độc đáo của các quốc gia châu Âu vào thời khắc năm cũ qua đi, năm mới đang đến.
Du khách và người dân cùng chia sẻ thời khắc năm mới ấm áp. (Nguồn ảnh: Getty)

Những tục lệ cầu may độc lạ

Vào đêm giao thừa, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những hoạt động nhất định để xua đi những vận hạn của năm cũ và cầu mong may mắn cho năm đang tới.

Vào thời khắc giao thoa quan trọng ấy, người Anh có phong tục “lấy nước đầu năm mới”. Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm.

Ngoài ra, họ cũng có tục lệ “Bước chân đầu tiên” gần giống với tục xông nhà của người Việt. Xuất phát từ xứ Scotland thời Trung Cổ, gia đình người Anh sẽ chọn lựa một chàng trai đẹp, cao lớn và mời sắm vai người đặt chân đầu tiên vào nhà. Chàng trai này sẽ xuất hiện trước cửa và bước vào nhà vào đúng nửa đêm mang theo một cục than, một ổ bánh mì và một chai rượu mạnh. Sau khi bước vào nhà, anh ta tiến thẳng đến lò sưởi bỏ cục than vào, tiếp tục đặt ổ bánh mì lên bàn và rót rượu đổ lên đầu chủ nhà.

Sau một loạt “thủ tục” này, cả gia đình và vị khách sẽ cùng nhau hô “Chúc mừng năm mới”. Sau đó, chàng trai phải ra về bằng cửa sau và không được gây ra tiếng động lớn. Người Anh tin rằng, điều này sẽ mang đến hạnh phúc, cuộc sống đầm ấm, yêu thương cho cả gia đình trong năm mới. Đáng chú ý, vị khách có tóc đỏ hay vàng không bao giờ được chọn làm người xông nhà bởi điều này tượng trưng cho sự không may mắn.

Tại Pháp, để năm mới được “vạn sự như ý”, người Pháp phải uống cạn tất cả rượu mà họ có. Bởi vậy mới có câu nói “người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới”. Bởi quan niệm nếu như uống rượu vẫn còn trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi, người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Ngoài ra, người Pháp cũng có tục lệ ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Chẳng hạn như, nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa; nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt.

Ở Ý, trong đêm giao thừa, không một ai ra đường bởi một tập tục đặc biệt. Đó là khi chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, mọi người phải lập tức vứt hết ra đường phố mọi đồ cũ, bàn ghế hỏng, giường hỏng. Họ quan niệm rằng, nếu vứt hết đồ cũ vào thời điểm năm cũ vừa qua đi, thì trong năm mới, sẽ mua được những đồ vật đó mới tinh. Trẻ con trước khi đi ngủ để đôi tất ở lò sưởi, kỳ vọng rằng khi thức dậy vào ngày hôm sau sẽ tìm được món quà để lại từ nàng tiên Bêphane bay qua ống khói. Người Ý cũng có một phong tục thú vị xuất phát từ thời Trung Cổ là mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới để cầu may cho cả năm.

Dù không ném đi đồ đạc cũ nhưng người Đan Mạch cũng có một phong tục đêm giao thừa độc đáo không kém. Đó là ném bát đĩa cũ trước cửa nhà để cầu may mắn. Cụ thể, họ ném những chiếc đĩa cũ vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ chứng tỏ họ càng có nhiều bạn.

Ở nhiều vùng nông thôn tại Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau treo lên những cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng năm mới”. Vào đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành, tượng trưng cho mỗi tháng trong năm. Ở một số vùng khác, người dân còn có tục lệ đổ chì nóng lên một cái thìa rồi ném xuống nước, sau đó vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng màu chì để dự đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.

Người Tây Ban Nha ăn được 12 quả nho vào đêm giao thừa. (Nguồn ảnh: iStock)

Còn đối với người Tây Ban Nha, khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Nếu ai có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, thì người đó sẽ là người may mắn vì suốt 12 tháng trong năm. Bên cạnh đó, điều cấm kỵ nhất đối với trẻ con trong ngày tết là không được mắng chửi người khác, đánh nhau và khóc lóc bởi là điềm báo những chuyện không tốt lành. Do đó, trong những ngày này, người lớn luôn đáp ứng các yêu cầu của trẻ nhỏ để chúng được hài lòng và luôn vui vẻ.

Ở Hy Lạp, lúc giao thừa, người mẹ trong gia đình bước ra sân lấy quả lựu đập mạnh vào tường nhà. Nếu hạt lựu văng tung toé khắp sân thì báo hiệu gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Một tục lệ độc lạ khác của gia đình người Hy Lạp là mọi người ôm đá qua cửa nhà mình để cầu năm mới được mùa, cuộc sống hạnh phúc.

Những nụ hôn, lời chúc

Đêm giao thừa cũng là thời điểm quây quần của các gia đình hoặc mọi người sẽ tụ tập ở một số địa điểm nhất định để chia sẻ những lời chúc, nghĩa cử mang đến may mắn cho người khác. Chẳng hạn ở Anh, quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus hoặc ở những nơi mà nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben, nay đã được đổi tên thành Tháp Elizabeth, thường đông nghịt người. Họ chờ tiếng chuông điểm nửa đêm để cùng nhau tung hô, trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

Người Đức, trước thời khắc giao thừa 15 phút, thường ngồi yên trên ghế. Đợi đến khi chuông đồng hồ vang lên, họ sẽ nhảy xuống ghế và ném một đồ vật nặng ra phía sau, hàm ý vứt bỏ mọi khó khăn của năm cũ. Sau đó, bữa đại tiệc giao thừa mới chính thức bắt đầu. Người Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu nói “Gutes Nue Jahr” hoặc “Happy New Year”.

Cả gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Đặc biệt, họ có quan niệm, nếu ăn cà rốt và bắp cải đầu năm sẽ mang đến sự ổn định về tài chính. Trên khắp các đường phố, nhiều nhóm trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới.

Đêm giao thừa tại Bỉ, người dân cũng trao nhau những nụ hôn và tấm thiệp chúc may mắn. Trẻ con được trao những tấm giấy đủ màu sắc để viết lời chúc mừng năm mới cho bố mẹ đẻ và bố mẹ đỡ đầu rồi đọc lên vào sáng mùng một Tết. Đặc biệt, một số vùng nông thôn ở Bỉ còn có phong tục “chúc tết vật nuôi” bởi chúng là những “người bạn” đồng hành với người nông dân trong suốt cả năm tới.

Nhiều quốc gia châu Âu coi nụ hôn đầu năm sẽ đem đến điều may mắn. (Nguồn ảnh: Mirror.co.uk)

Tại Áo, đêm giao thừa thường được biết đến là “Đêm của thánh Saint Sylvester”. Theo đó, người dân Áo thường pha rượu đỏ trộn với bạc hà và đường để dâng lễ thánh. Các quán xá và nhà hàng được trang trí với nhiều vòng hoa xanh ngắt lá. Hò hét, nhảy múa, bắn hoa giấy, sâm banh, những nụ hôn, lời chúc tụng, pháo hoa là những thứ không thể thiếu của đêm giao thừa ở quốc gia này.

Tại Thụy Điển, trước khi thời khắc giao thoa đến, người dân toàn quốc có truyền thống đọc thơ hoặc nghe đọc bài thơ “Nyårsklockan” (Tạm dịch: Chuông năm mới). Tục lệ này bắt đầu từ khoảng năm 1897 và đến nay đã trở thành một điều không thể thiếu vào đêm giao thừa. Ngoài ra còn có các bài thơ khác được nhiều diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng đọc cùng với các tiết mục biểu diễn trên các chương trình truyền hình hoặc tại các tụ điểm đón giao thừa của người dân và du khách như bảo tàng, quảng trường,…

Tiếng chuông nửa đêm báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa 2 năm đặc biệt có ý nghĩa với người Thụy Điển. Thậm chí khi họ không thể ở những nơi gần tiếng chuông, họ sẽ phải nghe tiếng chuông trên đài hoặc tivi. Khi tiếng chuông giao thừa ngân vang cũng là lúc họ “vỡ oà” trong cảm xúc của năm mới bên cạnh những người thân yêu nhất hoặc với những người lạ. Đó là một cách để chia sẻ những điều tích cực nhất ngay từ thời điểm khởi đầu của năm.