Theo quy định hiện hành, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cơ quan thuế phải kiểm tra cơ cấu giá thành và chỉ chấp nhận các loại chi phí hợp lý, trong đó có chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại với giới hạn chung không được vượt quá 10% tổng chi phí.
Đặt ra "trần" chi phí quảng cáo và khống chế diện tích đăng quảng cáo trên báo là không thật sự tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và quyền thông tin của báo chí và công chúng. |
Tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo nêu trên không phải được ấn định ngay từ đầu mức đó, mà được nâng dần theo quá trình đổi mới tư duy kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Năm 2001 về trước, tỷ lệ đó là 5%, đến năm 2002 được điều chỉnh lên 7%, từ năm 2004 đến nay là 10% tổng chi phí được trừ của DN khi tính thuế TNDN.
Riêng đối với các DN mới thành lập thì mức được trừ là 15% - thể hiện sự quan tâm hợp lý của cơ quan thuế đối với giai đoạn đầu mà các DN thường phải chi cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị nhiều hơn để thị trường và người tiêu dùng biết đến sản phẩm mới, thương hiệu mới.
Tuy nhiên, dù phía cơ quan quản lý đã điều chỉnh chính sách thì trên thực tế vẫn luôn luôn có các ý kiến khác, thậm chí đối lập từ phía DN và một số nhà nghiên cứu (có lẽ vì sự điều chỉnh đó vẫn bất cập trước thực tế khách quan)… Đặc biệt đáng quan tâm là ý kiến không đồng tình của một quan chức cao cấp và cũng là nhà nghiên cứu, quản lý kinh tế hàng đầu, đó là ông Trần Xuân Giá.
Suốt quá trình từ khi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đến khi làm Chủ tịch một ngân hàng và là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, ông luôn cho rằng việc quy định tỷ lệ khống chế đó là không hợp lý và cần phải xóa bỏ. Cũng cần nói thêm cho đúng ý và chặt chẽ rằng, việc xóa bỏ đó không đồng nghĩa với sự buông lỏng quản lý, mà cần có cách thức kiểm soát khác hợp lý, thực tế và hiệu quả hơn.
Từ thời kỳ sống trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, người ta quy định cho DN một cách chi li, cụ thể từng loại chi phí, ấn định chỉ tiêu sản xuất và giá bán từng loại sản phẩm (từ cỗ máy lớn đến cái kim, sợi chỉ), người có quyền ấn định và kiểm tra như vậy tuy là danh nghĩa Nhà nước, nhưng thực chất lại là những cán bộ chuyên quản mà không phải số đông có hiểu biết hơn hoặc bằng những người sản xuất, lưu thông hàng hóa… Nay tuy đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường khá lâu, nhưng tàn dư hành chính quan liêu bao cấp vẫn còn dai dẳng… Bởi thế mới có sự khống chế mức chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại.
Trong kinh tế thị trường, chi phí quảng cáo cũng cần thiết như các chi phí khác của quá trình sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của DN, thậm chí còn quan trọng hơn bởi ý nghĩa, tác dụng của nó trong xây dựng thương hiệu ở tầm vóc quốc gia và quốc tế. Nếu các loại chi phí khác không có quy định tỷ lệ trần khống chế, thì quảng cáo cũng vậy thôi, nên coi đó là quyền tự chủ của DN, là khoản họ tự trang trải, tự chịu trách nhiệm, là một bộ phận chi phí cấu thành giá hàng hóa trong cơ chế thị trường…
Nói chung, ở các DN dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, người ta không phung phí tiền quảng cáo, tiếp thị để lợi dụng công quỹ hoặc tham nhũng, mà chủ yếu nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán sản phẩm và lợi nhuận. Bởi vậy, không có lý do chính đáng cho việc khống chế chi phí quảng cáo của họ.
Tuy nhiên, đối với DN nhà nước (DNNN) thì cũng có thể cần có chế tài quản lý để tránh lợi dụng tiêu cực, như người có quyền quyết định chi quảng cáo để được bên làm quảng cáo “lại quả”, “bật tường” hoặc đãi đằng để được lợi về ủng hộ chính trị… Nhưng chế tài đó thuộc về văn bản quy phạm pháp luật khác (như quy chế về quản lý, kiểm tra tài chính DNNN), không thuộc quy định của Luật Quảng cáo.
Bên cạnh quy định khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo đối với DN, còn có quy định khống chế diện tích đăng quảng cáo đối với báo chí.
Báo chí có nhiều nguồn thu để tự trang trải, duy trì hoạt động, nhưng hai nguồn thu lớn nhất và căn bản nhất là từ phát hành và quảng cáo. Trong quảng cáo, nguồn thu chủ yếu từ sự gặp gỡ giữa nhu cầu khách quan của 3 bên: cơ quan báo chí làm dịch vụ thông tin; DN cần quảng bá thương hiệu, sản phẩm; và bạn đọc của báo (cũng là người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ).
Quy định diện tích đăng quảng cáo đối với báo in tuy khá ngặt nghèo nhưng cũng có cửa mở để giải, đó là nếu quảng cáo vượt diện tích quy định thì phải in vào phụ trương. Tuy nhiên, điều đó cũng không gỡ được bao nhiêu vướng mắc, thiệt thòi cho báo giới trong nước. Bởi vì, phần lớn chi phí quảng cáo, tiếp thị tiếp tục thuận lợi chảy vào túi các hãng truyền thông nước ngoài, nhất là trong điều kiện giao lưu, xuất nhập khẩu báo chí, liên thông truyền hình, báo mạng toàn cầu như ngày nay; trong khi báo chí trong nước vẫn bị ràng buộc.
Trong những giai đoạn, tình huống khó khăn của nền kinh tế, buộc phải cắt giảm chi tiêu tại các DN và cơ quan, đơn vị (như việc thực hiện Nghị quyết 11 về chống lạm phát gần một năm qua) thì một trong những khoản cắt giảm đầu tiên là chi phí quảng cáo, nhất là ở các DNNN. Bởi vậy, bên cạnh những khó khăn chung với các DN, báo chí còn khó khăn nhiều hơn, nặng nề hơn.
Việc khống chế tỷ lệ chi phí quảng cáo được trừ khi tính thuế TNDN và khống chế diện tích đăng quảng cáo trên báo vừa không thể hiện thật sự tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm lỗ lãi, sở trường, nghệ thuật kinh doanh của các doanh nhân, vừa có phần ảnh hưởng quyền thông tin của báo chí và công chúng. Bởi vậy, đã đến lúc cần phải sửa đổi.
Nguyễn Anh Long