Ngày 16/10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau khi nghe các Bộ, ngành, địa phương báo cáo khái quát các kết quả về tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc phấn đấu hết mình, hành động quyết liệt để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. |
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ vai trò của hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn hạn chế, thứ nhất là hạ tầng chiến lược, giao thông còn khó khăn, ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa. Từ đó, kéo theo việc tăng chi phí logistics, giảm tính cạnh tranh hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, tái cơ cấu kinh tế.
Đối với những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai các dự án, Thủ tướng cho rằng, trước hết, các địa phương phải nêu cao tính phân cấp, phân quyền. Đồng thời cần xóa bỏ cơ chế xin – cho, trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó, biến cái không thể thành có thể”.
“Các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” với tinh thần quyết tâm cao, “vượt nắng, thắng mưa” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là không để các đơn vị thi công “cô đơn” trên công trường. Quyết tâm đến năm 2025, ĐBSCL phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm đến năm 2025, ĐBSCL phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc. |
Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh/ thành phố có nguồn vật liệu đá như An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cần tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên cấp đá thực hiện các dự án trọng điểm. Đối với việc khai thác tại các mỏ cát trên sông, UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp cần chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát, chậm nhất là phải hoàn thành trong tháng 10/2024.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu, trong thời gian tới, ngoài các dự án giao thông đường bộ thì cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các dự án các sân bay, bến cảng cho vùng ĐBSCL. Trong đó, các bộ, ngành liên quan và tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau để máy bay cất cánh, hạ cánh được vào dịp 30/4/2025. "Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, cũng như để thúc đẩy ĐBSCL phát triển xứng tầm với các tiềm năng vốn có, thì ngoài các công trình hạ tầng giao thông đường bộ thì bắt buộc phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.