Là một trong những tuyến đường lớn của TP Cần Thơ, hàng ngày đường Nguyễn Văn Linh có mật độ phương tiện lưu thông khá đông, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường này thường diễn ra tình trạng tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, bày bán hàng hoá.
|
Việc tiểu thương lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường để kinh doanh, bày bán hàng hoá đã "mặc nhiên" đẩy người đi bộ đi xuống lòng đường, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn đối diện cổng Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ). |
Không chỉ thế, nhiều người dân còn "vô tư" dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định để mua hàng. Qua đó, mặc nhiên đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Tình trạng này diễn ra tương tự tại đường Bùi Quang Trinh (đoạn dẫn vào Chợ 586 – Khu dân cư 586, quận Cái Răng).
Ông Nguyễn Tường Lâm (ngụ quận Ninh Kiều) chia sẻ với phóng viên: "Sinh sống gần chợ Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), tôi khá khó chịu trước việc vỉa hè của khu chợ bị chiếm dụng để đậu xe và bày bán hàng hoá, nhiều khi tôi phải đi bộ dưới lòng đường mỗi khi đến chợ. Tôi mong lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường vi phạm này để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, giúp người dân đi lại an toàn hơn".
|
Tình trạng tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, bày bán hàng hoá cũng diễn ra tại đường Bùi Quang Trinh (đoạn dẫn vào Chợ 586 – Khu dân cư 586, quận Cái Răng). |
Lực lượng chức năng nhiều lần ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Tuy nhiên, theo ông Thạch Liêm (làm nghề chạy xe ôm gần khu vực Chợ Hưng Lợi), mỗi lần thấy bóng lực lượng chức năng thì những người dân lấn chiếm vỉa hè tại chợ "cuống cuồng" dọn quầy hàng “chạy”. Nhưng khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi thì "đâu lại vào đó".
Bà Lý Thị Trang (ngụ quận Cái Răng) cho rằng, khó xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường. "Tôi nghĩ người lấn chiếm vỉa hè, lề đường là để mưu sinh nên việc cấm hay áp dụng các biện pháp xử lý sẽ đụng chạm đến lợi ích một số cá nhân. Ngay cả người dân sinh sống tại khu vực chợ cũng thu lợi nhuận từ việc cho tiểu thương thuê mặt bằng buôn bán”.
Thực tế, việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, đậu xe thật sự là bài toán khó giải đối với chính quyền địa phương. Bởi muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì sự nỗ lực của các cấp chính quyền là chưa đủ, mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người kinh doanh và khách hàng.
Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, Ban đã tiến hành khảo sát cũng như ghi nhận việc xuất hiện tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường và một số khu vực trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là quanh khu vực chợ, trước cổng bệnh viện và tại các "điểm đen" thường xuyên diễn ra hoạt động kinh doanh, mua bán lấn chiếm trái phép vỉa hè và lòng đường.
|
Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người bán lẫn người mua (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Linh – Chợ Hưng Lợi). |
Ban An toàn giao thông TP đã xây dựng kế hoạch, chuyên đề để ra quân kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm góp phần lập lại trật tự đô thị, cũng như đảm bảo cho người dân tham gia giao thông được an toàn, thuận lợi.
“Việc xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên sẽ được chúng tôi triển khai thường xuyên trong thời gian tới để giải quyết triệt để vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ linh hoạt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về trật tự đô thị và an toàn giao thông cho từng nhóm đối tượng người dân, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương”, ông Mai Minh Ngoan cho biết thêm.