ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của LPBank tổ chức vào ngày 27/4 tại TP Ninh Bình. Đây là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng lựa chọn địa điểm này cho kỳ họp thường niên.
![]() |
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. |
Đại hội diễn ra trong bối cảnh LPBank vừa trải qua năm 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Tổng tài sản cuối năm 2024 đạt 508.330 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng trưởng đột phá 73%, đạt 12.168 tỷ đồng - con số cao nhất kể từ khi ngân hàng đi vào hoạt động năm 2008.
Trên cơ sở đà tăng trưởng năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 14.868 tỷ đồng, tăng trưởng 22,2%. Chỉ tiêu này được xây dựng trên nền tảng tổng tài sản mục tiêu 525.890 tỷ đồng, tăng 3,5%. Trong đó, dư nợ tín dụng thị trường 1 (khách hàng doanh nghiệp và cá nhân) dự kiến tăng 15,8% lên 383.931 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến thị trường.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2025, LPBank cho biết vẫn duy trì đà tăng trưởng. Dù thu nhập lãi thuần giảm nhẹ, nhờ các biện pháp tiết giảm chi phí hiệu quả, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024 và hoàn thành 21% kế hoạch cả năm.
Liên quan đến phân phối lợi nhuận năm 2024, HĐQT LPBank đề xuất phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Với vốn điều lệ sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023, số tiền dự kiến chi cho cổ tức đợt này là 7.468,2 tỷ đồng. Mức chia cổ tức bằng tiền mặt 25% cao hơn đáng kể so với kỳ vọng trước đó của ban lãnh đạo. Tại ĐHĐCĐ bất thường tháng 11/2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy từng chia sẻ LPBank sẽ phấn đấu chia cổ tức hàng năm với tỷ lệ từ 16,8% trở lên.
![]() |
Cũng tại phiên họp bất thường nói trên, cổ đông LPBank đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%. Đến tháng 2/2025, ngân hàng đã hoàn tất phát hành gần 430 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 29.872,8 tỷ đồng.
![]() |
Ngoài các nội dung kinh doanh và phân phối lợi nhuận, tài liệu ĐHĐCĐ 2025 của LPBank còn trình cổ đông xem xét việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank AMC) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. LPBank AMC được kỳ vọng sẽ chuyên nghiệp hóa công tác xử lý và quản lý tài sản, giúp ngân hàng tối ưu hiệu quả, giảm thiểu rủi ro. Dự kiến trong 3 năm đầu hoạt động, LPBank AMC có thể ghi nhận tổng doanh thu 1.114 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lũy kế 682 tỷ đồng.
Tại phần thảo luận, giải đáp câu hỏi của cổ đông về động lực giúp lợi nhuận LPBank năm 2024 tăng trưởng tới 73%, Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến chỉ ra bốn yếu tố chính: Tăng trưởng thu nhập lãi nhờ chuẩn bị tốt cho giải ngân tín dụng từ đầu năm; hiệu quả mạng lưới phòng giao dịch mới được phát huy; tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng (từ 8% lên 16%); và tiết giảm chi phí hiệu quả, thể hiện qua hệ số CIR giảm từ 36% xuống còn 29-29,1%. Bên cạnh đó là công tác tinh gọn bộ máy, kiểm soát rủi ro và đẩy mạnh thu hồi nợ xấu.
Đối với tác động của chính sách thuế quan Mỹ, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà thông tin HĐQT và Ban điều hành đã đánh giá kỹ lưỡng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng cấp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng dư nợ, được đánh giá là không gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của LPBank.
![]() |
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.