Theo đó, Đại hội đồng cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 với tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 18%(*), dự kiến chạm mốc 178.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã đồng thuận phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Thời gian triển khai được cổ đông giao ngân hàng xử lý tùy theo diễn biến thị trường và tình hình kinh doanh của MSB, dự kiến trong quý 3/2024 khi thị trường chứng khoán quay lại nhịp tăng trưởng bền vững hơn.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thực hiện thủ tục bầu thay thế thành viên Hội đồng quản trị nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Võ Tấn Long (sinh năm 1968, hiện là Chủ tịch Ủy ban Công nghệ MSB) trở thành Thành viên Hội đồng Quản trị ngân hàng nhiệm kỳ VII (2022 – 2026) thay thế cho bà Nguyễn Thị Thiên Hương. Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Nguyễn Thị Thiên Hương do có đơn từ nhiệm trước đó vì lý do cá nhân. Như vậy, hiện Hội đồng Quản trị MSB vẫn duy trì số lượng 7 thành viên.
Cũng tại Đại hội, giải đáp câu hỏi của cổ đông về tình hình kinh doanh quý 1 năm 2024, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết theo số liệu ước tính, ngân hàng ghi nhận điểm sáng với một số chỉ số nền tảng, bám sát theo định hướng đã hoạch định từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng quý 1 ước đạt 5,6%. Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với cuối năm 2023. Trong bối cảnh lãi suất huy động xuống thấp, tiền gửi không kỳ hạn ghi nhận khoảng hơn 40.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2023 và 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ sở để MSB nâng tỷ lệ CASA/Tổng tiền gửi dự kiến lên mức trên 29%, cao hơn gần 3 điểm % so với 31/12/2023.
Cũng theo kết quả ước tính, thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập MSB giữ tỷ trọng hiệu quả với tỉ lệ trên 24%, là kết quả từ sự đóng góp nổi bật của hoạt động kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng này đạt gần 600 tỷ, tăng vượt trội hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cá nhân có nhu cầu ngoại hối (như đi du lịch, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du học…).
Với định hướng “Khách hàng là trọng tâm”, MSB mang đến những sản phẩm - dịch vụ hữu ích và giá trị cao với quy trình số hóa tinh giản, cùng sự đồng hành và tư vấn hiệu quả. Ngoài ra, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá của MSB cũng được khách hàng đánh giá tích cực do độ chính xác cao trong dự báo biến động tỷ giá, mang tới lợi thế cho ngân hàng trên thị trường. Do vậy, MSB xây dựng được tệp khách hàng ngoại hối trung thành và luôn mở rộng thị phần cũng như vị thế trong mảng hoạt động này. Kết thúc 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến tăng nhẹ so với quý 1 năm 2023.
Về thanh khoản và vốn, nền tảng vốn được ngân hàng quản trị chặt chẽ. Tại thời điểm 31/3/2024, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất dự kiến ở mức gần 12,2%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo quy định.
(*) Tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.