Mốc son tự hào
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An cho biết, ngày 23/7/1999 huyện Dĩ An (nay là TP Dĩ An) được tái lập theo Nghị định số 58 của Chính phủ trên cơ sở tách ra từ huyện Thuận An.
Qua từng giai đoạn, từng thời kỳ, dưới sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh Bình Dương, sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Dĩ An đi cùng các quyết sách đúng đắn, kịp thời, định hướng mang tính tầm nhìn, chiến lược, Dĩ An đã không ngừng phát triển mạnh mẽ: từ một địa bàn thuần nông, Dĩ An hôm nay đã là đô thị loại 2 và đang từng bước hoàn thiện để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại 1.
|
TP Dĩ An đang nỗ lực xây dựng để trở thành thành phố là đô thị loại I |
Dù chỉ là một thành phố trẻ trực thuộc tỉnh, nhưng sau ¼ thế kỷ chung sức, đồng lòng, Dĩ An đang có nhiều lợi thế để phát triển về phía trước. TP Dĩ An có diện tích tự nhiên 6.010ha với 7 phường, dân số hiện tại hơn 500 nghìn người.
Là thành phố có vị trí nằm ở Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh với hệ thống hạ tầng phát triển, là cửa ngõ quan trọng để đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc và khu vực Đông Nam Bộ. TP Dĩ An hiện có 6 khu và 1 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 829 ha, thu hút 245.000 lao động.
Hoạt động thương mại-dịch vụ của Dĩ An những năm gần đây liên tục phát triển và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa của thành phố đạt hơn 132 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 136 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách hơn 3.700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,66 lần so với mức bình quân cả nước...
Chủ tịch UBND TP Dĩ An - Võ Văn Hồng cho biết, sự phát triển của Dĩ An qua các thời kỳ với những thành tựu nổi bật, cũng là mốc son đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Đặc biệt, hạ tầng đô thị của thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, 100% các tuyến đường do thành phố quản lý được nhựa hóa, có hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè. Hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố luôn được chú trọng, chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn luôn quan tâm ưu tiên đầu tư, các thiết chế văn hóa luôn được cải thiện...
Định hướng phát triển đô thị theo chiều sâu
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Dĩ An nằm ở khu vực trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh với TP Thuận An, TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TP HCM). Dĩ An có vị trí thuận lợi tại giao điểm các trục hành lang kinh tế quan trọng như: hành lang kinh tế động lực Bắc - Nam (gắn với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam), hành lang kinh tế động lực Đông Tây kết nối cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Quốc lộ 22; đường vành đai qua TP HCM đến nhóm cảng hàng hóa đường thủy Hồ Chí Minh.
Do đó, Dĩ An cần phát triển đô thị theo chiều sâu, để giảm tải cho TP HCM và trở thành vùng đô thị quan trọng cho cả vùng. Tại Dĩ An, công nghiệp là ngành đóng góp phần lớn vào ngân sách hàng năm. Chỉ tính trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố đạt 136 nghìn tỷ đồng, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng gần 52%, khu vực ngoài quốc doanh chiếm hơn 48,3%, khu vực quốc doanh chiếm 0,17%.
|
Tầm nhìn đến 2050, Dĩ An nằm trong cụm đô thị động lực số 1 của Bình Dương (gồm TP Thuận An và TP Dĩ An) |
Trong chương trình phát triển Dĩ An theo chiều sâu, lãnh đạo TP Dĩ An đã xem xét các thách thức, thời cơ và cơ hội phát triển thành phố trong bối cảnh phát triển của tỉnh Bình Dương, vùng TP HCM, vùng Đông Nam Bộ, triển khai xây dựng, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian đô thị đồng bộ.
Ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm trên các lĩnh vực cảnh quan đô thị, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nâng cấp bổ sung các công trình công cộng đô thị, xử lý môi trường rác thải, nước thải... thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng theo quy định quản lý theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại.
Cùng với quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị, thành phố tập trung cải tạo, xây dựng các trục giao thông chính, các công trình dịch vụ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, chung cư cao tầng, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị: thoát nước điện chiếu sáng, cây xanh, xử lý ngập úng...
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, chương trình phát triển Dĩ An từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Dĩ An nằm trong cụm đô thị động lực số 1 của Bình Dương (gồm TP Thuận An và TP Dĩ An), thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh. Sử dụng các dư địa không gian cho mô hình đô thị mới theo định hướng TOD và bổ sung các hạ tầng xã hội để đưa Dĩ An trở thành đô thị hiện đại, chất lượng sống cao.
Trong đó, kết hợp với TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An để trở thành cụm động lực là dịch vụ mới, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 - vùng TP HCM. Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An).
Phát triển các không gian động lực
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch TP Dĩ An sẽ theo nhịp phát triển không gian đô thị Bình Dương gắn với vùng đô thị trung tâm TP HCM theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp Vùng về thương mại và dịch vụ logistics.
Giai đoạn 2031-2050, hoàn thiện đầu tư hạ tầng, lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, bổ sung 5-6 KCN mới, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi toàn bộ hoặc chuyển đổi một phần 7 KCN (Bình An, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Việt Hương) tại 2 TP Dĩ An và Thuận An nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vùng đô thị phía Nam (gồm TP Dĩ An và TP Thuận An; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,45-1,73 triệu người; diện tích tự nhiên khoảng 143,76km2), khu vực tái phát triển đô thị gắn với TP HCM, là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Bình Dương, tập trung phát triển dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao, đào tạo...