Di tích bị xâm hại, ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng chục di tích có niên đại hàng trăm năm với những kiến trúc cổ kính, độc nhất vô nhị đã bị xâm hại, mất đi giá trị sau “tu bổ, tôn tạo” khiến các nhà văn hóa và người dân bức xúc. Vấn đề đặt ra bài toán trách nhiệm, hình thức xử lý ra sao cho đảm bảo tính răn đe?
Bia đá chùa Thổ Hà hơn 300 tuổi bị vỡ trong quá trình thi công tu bổ.
Bia đá chùa Thổ Hà hơn 300 tuổi bị vỡ trong quá trình thi công tu bổ.

Di tích cổ “biến mất” sau trùng tu, tu bổ

Dự án tu bổ tôn tạo chùa Thổ Hà huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khởi công từ tháng 12/2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình. Công ty Cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công.

Ngày 8/9/2021, đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá tại vị trí sân phía trước tòa Tam bảo ra vị trí bảo quản, nhằm lấy mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. Đơn vị thi công đã đào xung quanh bia, dùng dây vải buộc vào thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng.

Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia lên, thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Tấm bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện (trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm), tạo tác bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 4 thời vua Lê Hy Tông, thế kỷ thứ 15 năm 1679. Nội dung bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Trước đây, bia được đặt trong gác chuông.

Trước sự việc này, nhiều quan điểm cho rằng, đây là cách hành xử ẩu với hiện vật, di tích và trong cách trùng tu. Bia đứt gãy không thể đổ cho các yếu tố khách quan. “Làm hỏng bia cổ chùa Thổ Hà 342 năm tuổi, khiến bia bị vỡ thành nhiều phần là huỷ hoại di sản văn hoá. Đây việc làm đáng tiếc, tắc trách, không theo quy trình, không đúng kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hoá” - PGS. TS Trần Trọng Dương, Trưởng phòng Nghiên cứu Minh văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu quan điểm.

Sau sự việc, UBND huyện Việt Yên, Sở VH-TT&DL Bắc Giang và đơn vị liên quan đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền khắc phục sự cố. Điều đáng nói đây không phải là vụ việc đầu tiên và duy nhất liên quan đến vấn đề xâm hại di tích. Dư luận từng bàng hoàng, xót xa trước hàng loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại.

Trước đó, đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội - công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ đã bị phá đi để xây vào đó một công trình kiến trúc bê tông mới toanh. Sự việc gây ngạc nhiên và bức xúc trong dư luận.

Xã Liên Bạt bị cho là không thực hiện được các yêu cầu đối với trùng tu, tôn tạo một di tích như báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân về tu bổ di tích tham gia khảo sát đánh giá, xác định nguồn vốn tu bổ.

Tương tự, Di tích quốc gia chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội là cái tên trong danh sách các di tích bị xâm hại khi “trùng tu”. Trụ trì chùa Bối Khê đã cho đập hai cổng ngách hai bên gác chuông của chùa để xây dựng mới. Điều lạ là trụ sở UBND xã nằm đối diện ngôi chùa. Và chính Ban quản lý dự án của huyện Thanh Oai thực hiện lát gạch (không phép) cho nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn mà người dân so sánh “như công viên”.

Tương tự, chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ, Hà Nội ngót ngàn năm tuổi bị dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Hay ở đình cổ Quang Húc ở xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội, đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm…

Tu bổ chứ không không tu sửa

Thực tế gây bức xúc đó là, hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” đều được chính quyền sở tại “phát hiện” khi chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ. Khi chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ là ngôi chùa cổ kính chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang. GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống từng chia sẻ:

“Những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Cần nhắc lại, đây là tu bổ chứ không phải tu sửa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Điều này dẫn tới “thảm họa trùng tu”.

Việc trùng tu sai, ẩu, cùng việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đã từng có nhiều ví dụ điển hình, diễn ra muôn hình vạn trạng, không có vụ việc nào giống vụ việc nào và luôn trở thành “sự đã rồi” cuối cùng chỉ có di sản mất đi và không có ai phải chịu trách nhiệm cả. Vấn đề đặt ra ở đây là những hành vi xâm hại di tích nói trên sẽ bị xử lý thế nào cho đủ tính răn đe? Trách nhiệm thuộc về ai?

Đơn cử như vụ chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu, đầu tháng 2/2020, UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã xử lý các cán bộ liên quan bằng hình thức cảnh cáo. Sau sai phạm bê tông hóa ngôi đình 300 tuổi ở Lương Xá, Ứng Hòa, Hà Nội, huyện đã ban hành quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo xã Liên Bạt và cán bộ văn hóa xã bằng hình thức khiển trách.

Việt Nam có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ di sản. Thế nhưng, việc lấy danh nghĩa là “tu bổ” nhưng thực tế đã “phá hoại” di tích quốc gia, khó lấy lại giá trị kiến trúc, lịch sử, niên đại mà chỉ bị xử phạt theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”, khiến cho người dân không khỏi bức xúc

Đọc thêm