Dịch Covid-19: 117 triệu trẻ em có thể không được tiêm phòng sởi

(PLVN) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Điều này gây ảnh hưởng đến các chiến dịch tiêm chủng sởi. Hiện nay, việc tiêm phòng sởi đã bị trì hoãn tại 24 quốc gia trên thế giới và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm, dẫn đến có thể gây nguy hiểm tới trẻ em ở 37 quốc gia.
Ảnh minh họa

Dừng tiêm vì... phong tỏa

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 18h00 ngày 15/4/2020, toàn cầu ghi nhận 2.012.063 trường hợp mắc Covid-19 tại 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 127.493 trường hợp tử vong. Điều này khiến chính phủ các nước phải ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Theo đó, việc ban bố lệnh phong tỏa của các nước là biện pháp hữu hiệu để hạn chế Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Thế nhưng, lại gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch sởi, tiềm ẩn mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng.

Các cơ quan y tế thuộc Liên Hợp quốc ngày 13/4/2020 cảnh báo hơn 117 triệu trẻ em trên thế giới có thể bỏ lỡ tiêm chủng phòng bệnh sởi.

Theo Sáng kiến Phòng bệnh sởi và rubella (M & RI) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và nhiều cơ quan hữu quan khác, các chiến dịch tiêm chủng sởi hiện đã bị trì hoãn tại 24 quốc gia trên thế giới và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa, có thể gây nguy hiểm tới trẻ em ở 37 quốc gia.

Tuyên bố của M & RI nêu rõ: “Nếu đại dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng gây ra những khó khăn dẫn đến việc tạm dừng tiêm chủng, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực theo dõi những trẻ em chưa được tiêm chủng, để những công dân dễ bị tổn thương nhất này có thể được cung cấp vắcxin phòng bệnh sởi ngay khi có thể”.

Bệnh sởi nguy hiểm thế nào?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi, họng bệnh nhân. Đôi khi có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đủ.

Theo tìm hiểu, thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 12-14 ngày, nhưng có thể kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp đến 21 ngày.

Thời kỳ lây truyền từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban.

Khi trẻ bị bệnh thường có những dấu hiệu như: Sốt 38-40 độ C và sốt liên tục; ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy nước mũi, viêm kết mạc, hắt hơi, tiêu chảy; có những hạt nhỏ nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; nốt có màu trắng hoặc hơi xám, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. 

Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ; sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít; trẻ ăn kém, mệt mỏi, thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể có bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Tại Việt Nam,  trong ba tuần đầu tháng 1/2019, các địa phương thông báo có trên 2.400 người nghi mắc bệnh sởi - rubella được ghi nhận, tương đương 1/3 số mắc của cả năm 2018. Đáng chú ý, số mắc năm 2018 đã gấp hơn 8 lần so với năm 2017. 

Năm 2014, Việt Nam đã có trên 140 ca tử vong do sởi. Đây là căn bệnh lành tính, nhưng cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đầy đủ. 

Theo ước tính mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 140.000 người đã tử vong do bệnh sởi năm 2018 trên toàn thế giới. Những ca tử vong này xảy ra khi số lượng ca mắc sởi gia tăng trên toàn cầu, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tàn khốc ở tất cả các khu vực.

Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất bị nhiễm sởi, với các biến chứng tiềm ẩn bao gồm viêm phổi và viêm não (phù não), cũng như khuyết tật suốt đời do tổn thương não vĩnh viễn, mù hoặc mất thính giác.

Những bằng chứng được công bố gần đây cho thấy rằng việc nhiễm virus sởi có thể gây ra những tác động sức khỏe lâu dài, gây tổn hại cho bộ nhớ hệ thống miễn dịch trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi bị nhiễm bệnh. Chứng mất trí nhớ miễn dịch này khiến những người sống sót dễ bị tổn thương trước các bệnh nguy hiểm khác, như cúm hoặc tiêu chảy nghiêm trọng, bằng cách làm tổn hại đến khả năng phòng vệ miễn dịch của cơ thể.

Cách phòng và điều trị

Để phòng ngừa bệnh sởi cần giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ và thầy, cô giáo, cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh sởi để cộng tác với ngành Y tế trong việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.

 Tiêm chủng mũi 1 cho tất cả trẻ em từ 9 - 11 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 cho trẻ 6 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ ở lứa tuổi cao hơn ở vùng nguy cơ cao (nơi vẫn còn virus sởi lưu hành, tỷ lệ tiêm chủng thấp…), tăng cường giám sát bệnh.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng, miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi có dịch xảy ra cần  báo cáo khẩn cấp cho cơ quan y tế dự phòng để chủ động phòng chống dịch.

Bệnh nhân sởi phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Bệnh sởi ở trẻ em có nhiều nguy cơ biến chứng

Khoảng thời gian lý tưởng cho bệnh sởi ở trẻ em phát triển thường rơi vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dịch sởi có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao, vì trẻ em có sức đề kháng kém hơn so với người lớn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển theo chiều hướng xấu, gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Khi mắc bệnh, virus sởi xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài, lúc này khả năng miễn dịch của cơ thể đã bị giảm sút, vì vậy, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sởi có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, viêm não cấp tính: Trẻ nhỏ sau khi phát ban (1-15 ngày) xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, hôn mê, co giật, đau đầu, nôn, cứng gáy...

Đọc thêm