Thủ tướng Pakistan mắc COVID-19 sau hai ngày tiêm vaccine
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã bị xét nghiệm dương tính với COVID-19 chỉ 2 ngày sau khi được tiêm liều vaccine phòng virus corona đầu tiên.
Theo hãng thông tấn Reuters, thông tin trên được Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan xác nhận trên Twitter, đồng thời cho biết Thủ tướng Khan hiện đang “tự cách ly ở nhà”.
Nguồn tin từ một số trợ lý cấp cao cho biết, ông Khan bị ho nhẹ và sốt. Họ cũng khẳng định nhà lãnh đạo 68 tuổi có khả năng bị nhiễm virus trước khi được tiêm phòng hôm 18/3.
Shahbaz Gill, một cố vấn cấp cao của ông Khan, cho biết sau khi bị chẩn đoán nhiễm Covid-19, Thủ tướng Pakistan đã bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể ngăn cản người dân đi tiêm chủng.
"Xin đừng liên hệ vụ việc này với vắc xin Covid-19. Khoảng một vài tuần sau khi tiêm vắc-xin thì các bạn mới bắt đầu có khả năng miễn dịch", ông Shahbaz Gill lưu ý.
Theo Bộ trưởng Thông tin Pakistan Shibli Faraz, ông Khan có khả năng nhiễm virus sau khi tham gia một loạt hoạt động tiếp xúc với công chúng trong tuần này. Thủ tướng Pakistan thường xuyên không đeo khẩu trang khi xuất hiện tại các sự kiện đông người.
Số ca nhiễm tại Pakistan vẫn có chiều hướng tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Theo số liệu do Chính phủ Pakistan công bố, 3.876 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, cao nhất kể từ đầu tháng 7 năm ngoái.
Hàng nghìn người Đức biểu tình chống phong tỏa
Đám đông tuần hành trên đường phố Kassel để phản đối các hạn chế ngăn COVID-19, buộc cảnh sát Đức dùng hơi cay, dùi cui để giải tán.
Hàng nghìn người thuộc phong trào "Querdenker", nhóm từng tổ chức những cuộc biểu tình "chống corona" lớn nhất nước Đức, hôm nay tập trung tại quảng trường trung tâm thành phố Kassel, miền trung nước Đức để phản đối các biện pháp phong tỏa ngăn COVID-19. Họ đứng sát nhau và không đeo khẩu trang.
Đụng độ xảy ra sau khi một nhóm người biểu tình xô đổ rào chắn của cảnh sát để tham gia cùng những người chống phong tỏa khác tại thành phố, buộc cảnh sát phải sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để ngăn cản.
|
Một người biểu tình tranh cãi với cảnh sát tại Kassel hôm 20/3. |
"Đây không còn là cuộc biểu tình ôn hòa", một cảnh sát địa phương đăng Twitter, thêm rằng đám đông liên tiếp tấn công nhân viên dịch vụ khẩn cấp.
"Chúng tôi không dung thứ cho những hành động tấn công người thực thi công vụ như vậy", cảnh sát tuyên bố, nói rằng họ đã điều động xe vòi rồng sẵn sàng hành động.
Ngoài đụng độ với cảnh sát, nhóm biểu tình còn xô xát, ẩu đả với những người phản đối biểu tình.
Một số nhóm, hầu hết là phe cực hữu phản đối quy định chống dịch của chính phủ, đã kêu gọi biểu tình ở nhiều thành phố trên khắp nước Đức trong ngày 20/3. Tại thủ đô Berlin, kkhoảng 1.800 cảnh sát đã được điều động để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bạo loạn, nhưng chỉ có vài chục người tham gia biểu tình ở Cổng Brandenburg. 300 người đã tụ tập ở đại lộ Unter den Linden để phản đối làn sóng biểu tình của phe cực hữu.
Cảnh sát đã phải can thiệp khi một số người biểu tình cực hữu cố tấn công phóng viên ảnh, nhưng "không có quá nhiều chuyện xảy ra" ở Berlin.
Đức đã báo cáo hơn 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 75.000 ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo nước này có thể tái áp đặt một số biện pháp hạn chế ở những nơi ghi nhận ca nhiễm mới hàng tuần trên 100 ca/100.000 dân, để ngăn chặn nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát.