Dịch COVID-19 sáng 23/2: Hàng trăm nghìn học sinh Đức trở lại trường học, Israel tham vọng trở thành nước đầu tiên phát triển thuốc chữa COVID-19

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00 giờ ngày 23/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 112.061.779 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.479.902 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 87.415.698 người.
Ảnh minh họa.

Tại Anh, các trường học ở xứ England sẽ mở cửa trở lại vào ngày 8/3, 2 người có thể gặp gỡ nhau ngoài trời và có thể uống cà phê cùng nhau. Sau đó, vào ngày 29/3, hai gia đình, tương đương với 6 người, có thể gặp gỡ  nhau bên ngoài và các hoạt động thể thao ngoài trời cũng sẽ được nối lại. Lộ trình trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế  nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Tại Ba Lan, chính phủ nước này dự kiến công bố các quy định mới về điều kiện nhập cảnh, Theo đó, những người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh sẽ không phải tiến hành cách ly. Hiện Chính phủ Ba Lan cũng không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong thời gian tới.

Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau khi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm gần đây, với khoảng 8.000 ca mỗi ngày. Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.      

Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được quốc gia Đông Nam Á gồm 108 triệu dân này cấp phép lưu hành khẩn cấp, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.

Hàng trăm nghìn học sinh Đức trở lại trường học

Sau hai tháng nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch COVID-19, ngày 22/2, hàng trăm nghìn học sinh Đức đã được quay trở lại trường học. 

Theo truyền thông địa phương, các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ đã được mở cửa trở lại tại 10 khu vực của Đức, trong đó có thủ đô Berlin và bang đông dân nhất của nước này North-Rhine Westphalia. Hầu hết các trường đều hạn chế việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 quay trở lại trường học. Sĩ số lớp cũng giảm 50%, và các học sinh đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang và mở cửa lớp học.

Israel tham vọng trở thành nước đầu tiên phát triển thuốc chữa COVID-19

Đài Spuntik đưa tin bệnh viện Ichilov tại thủ đô Tel Aviv đã phát triển một loại thuốc được ca ngợi có tác dụng thần kỳ trong việc ngăn hội chứng cơn bão cytokine - một phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể và là thủ phạm gây ra các biến chứng nặng hơn ở bệnh nhân COVID-19.

Có tên gọi EXO-CD24, loại thuốc này được đưa thẳng vào phổi của bệnh nhân và kiểm sát tình trạng viêm nhiễm.

Shiran Shapira – Giám đốc Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky - là một trong những người đầu tiên góp phần vào sáng kiến đột phá trên. Bà Shapira cho biết họ đã cho 35 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện Ichilov tiếp nhận loại thuốc mới. 34 bệnh nhân đã khỏi bệnh và xuất viện chỉ vài ngày sau khi được chữa trị.

"Tất cả các bệnh nhân này đều trong tình trạng nguy kịch hoặc bệnh nặng, nhưng khi họ dùng thuốc EXO-CD24, sức khỏe đã khá hơn và chúng tôi cho họ xuất viện chỉ sau vài ngày", bà Shapira nói.

Cho đến thời điểm hiện tại, thuốc EXO-CD24 không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Truyền thông Israel cũng đưa tin về một số bệnh nhân tỏ ra rất hạnh phúc vì được chữa khỏi bằng loại thuốc thần kỳ này.

Thuốc EXO-CD24 do bệnh viện Ichilov phát triển đã hoàn thành các thử nghiệm giai đoạn 1, hướng tới thử nghiệm giai đoạn 2 trên hàng chục người tại Israel và có thể ở nước ngoài.

Một khi hoàn tất giai đoạn 2, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được tiến hành trước khi đưa thuốc vào sử dụng trên diện rộng. 

Bà Shapira tin rằng việc chuyển từ giai đoạn thử nghiệm này sang giai đoạn tiếp theo sẽ không mất nhiều thời gian, đặc biệt là vì nhu cầu cấp bách về loại thuốc chữa COVID-19.

"Thật khó trả lời câu hỏi khi nào loại thuốc này sẽ sẵn sàng được sử dụng cho công chúng. Chúng tôi cần phải chờ đợi nhưng tôi hy vọng càng sớm càng tốt. Vì loại thuốc này đang có nhu cầu cấp thiết nên việc xin giấy phép có thể trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn", chuyên gia Shapira kết luận.

Không chỉ có bệnh viện Ichilov, Israel cũng đang chứng kiến nhiều cơ sở nghiên cứu chạy đua với thời gian phát triển thuốc chữa COVID-19 – dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của trên 2 triệu người trên toàn thế giới.