Trung Quốc viện trợ miễn phí vaccine cho 53 nước
Ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này đang xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 sang 27 quốc gia và viện trợ vaccine miễn phí cho 53 nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Uông Văn Bân cho biết vaccine của Trung Quốc đã tới Pakistan, Campuchia, Lào, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Mông Cổ và Belarus dưới hình thức viện trợ miễn phí, trong khi vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc đã xuất khẩu sang Serbia, Hungary, Peru, Chile, Mexico, Colombia, Maroc, Senegal, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng phần lớn các nước tiếp nhận viện trợ vaccine của nước này là những quốc gia đang phát triển, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng những nước có năng lực sẽ tham gia đóng góp tích cực để hỗ trợ cộng đồng quốc tế, nhất là những nước đang phát triển vượt qua đại dịch.
UNICEF đã gửi loạt 100.000 kim tiêm đầu tiên cho Maldives
Ngày 23/2, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thông báo đã gửi loạt 100.000 kim tiêm đầu tiên cho Maldives để chuẩn bị cho đợt giao vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của hãng Pfizer và AstraZeneca cho đảo quốc Nam Á này trong khuôn khổ Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu.
Theo UNICEF, các kim tiêm cùng 1.000 hộp bảo quản vaccine theo kế hoạch tới Maldives trong ngày 23/2. Ngoài Maldives, những nước khác tiếp nhận ống kim tiêm trong đợt bàn giao đầu tiên của UNICEF bao gồm Côte d'Ivoire và Sao Tome&Principe.
UNICEF cho biết vài tuần sau đợt giao kim tiêm này, cơ quan này sẽ giao khoảng 14,5 triệu kim tiêm có đường kính 0,5 ml và 0,3 ml cho hơn 30 nước trên thế giới. Kim tiêm có đường kính 0,5 ml sẽ được dùng để tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất trong khi kim tiêm có đường kính 0,3 ml sẽ được dùng để tiêm vaccine của hãng Pfizer và đối tác BioNTech hợp tác sản xuất.
Tổng thống Indonesia kêu gọi hợp tác để ngăn chặn đại dịch
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về ngăn chặn đại dịch COVID-19 được tổ chức trực tuyến ngày 23/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước trên thế giới cùng hợp tác để ngăn chặn đại dịch. Ông Joko Widodo nêu rõ tất cả các quốc gia phải tăng cường hợp tác trong nước cũng như với các nước trên thế giới vì "không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".
Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia đều đang nỗ lực để đảm bảo nguồn vaccine cho người dân, nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine cho tất cả mọi người.
Ông Joko Widodo cũng cho biết Indonesia đã đảm bảo được nguồn vaccine COVID-19 thông qua các thỏa thuận đặt mua vaccine từ một số nhà cung cấp quốc tế. Dù vậy, Indonesia vẫn đang chủ động tham gia các nỗ lực hỗ trợ bình đẳng trong tiếp cận vaccine cho các quốc gia trên thế giới thông qua các tổ chức quốc tế.
Thủ đô Campuchia phong tỏa 47 địa điểm
Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến chiều 23/2, 47 địa điểm liên quan đến "sự kiện cộng đồng ngày 20/2" đã tạm thời bị phong tỏa. Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân và đặc biệt là những người đang sinh sống tại thủ đô Phnom Penh và tỉnh giáp ranh Kandal nâng cao cảnh giác, quản lý tốt gia đình và hợp tác thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho cộng đồng.
Các nghiên cứu cho thấy tình hình lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay tại nước này nguy hiểm và diễn biến phức tạp hơn so với "sự kiện cộng đồng ngày 28/11 năm ngoái". Các biện pháp và can thiệp đang được Bộ Y tế thực hiện áp dụng tùy theo diễn biến tình hình từng địa phương để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Cùng ngày, báo Khmer Times đưa tin Chính phủ Campuchia cũng đã yêu cầu đóng cửa tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát tại Phnom Penh và tỉnh Kandal trong 2 tuần để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan mạnh ra cộng đồng.
Nhằm hỗ trợ người dân chống dịch, chính quyền thành phố Phnom Penh trước đó đã tiến hành phân phát miễn phí 250.000 khẩu trang vải, do Thủ tướng Hun Sen trao tặng, tại 14 quận, huyện và 25 điểm chợ quanh thủ đô.