Indonesia có thể cho phép tư nhân mua và phân phối vắc-xin Covid-19
Theo Reuters, Indonesia có thể cho phép các công ty tư nhân tự mua vắc-xin Covid-19 và phân phối cho nhân viên cũng như người dân.
Quốc gia này đã phát động một chiến dịch tiêm chủng đại trà, với mục tiêu chủng ngừa cho trên 80 triệu người dân, qua đó giải quyết một trong những điểm nóng dịch nghiêm trọng nhất tại Châu Á.
Các nhân viên y tế và an ninh là nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin hàng đầu. Nhưng theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, các công ty tư nhân có thể được phép tự mua vắc-xin và tiêm cho nhân viên của họ, qua đó giúp giảm gánh năng tài chính cho nhà nước.
"Kế hoạch đó không nên bắt đầu ngay lúc này, mà là sau khi chính phủ đã cung cấp vắc-xin cho lực lượng lao động ngành y tế và công cộng", ông Sadikin phát biểu trước Quốc hội.
Indonesia hiện mua và phân phối vắc-xin miễn phí, với chi phí ước tính khoảng 5,3 tỉ USD. Phòng Thương mại Indonesia cho biết họ đã đề nghị chính phủ cho phép một số công ty được nhập khẩu vắc-xin đã phê duyệt hoặc mua từ nguồn cung của chính phủ để tiêm phòng cho nhân viên hoặc để bán.
Malaysia, Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất trong ngày
Ngày 16/1, Malaysia ghi nhận 4.029 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 155.095 ca.
Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do Covid-19 cũng đã tăng lên 594 ca, sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 14.224 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng trong cgày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số người mắc bệnh lên 896.642 người. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 283 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 25.767 người. Hiện dịch Covid-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia.
Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới
Theo Reuters, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến có bài phát biểu trực tuyến trước các nhân viên y tế khi khởi động chiến dịch tiêm chủng, song ông chưa tiêm ngay vắc-xin Covid-19 vì nước này dành ưu tiên cho y bác sĩ và nhân viên tuyến đầu. Thủ tướng 70 tuổi khẳng định các chính trị gia không phải nhân viên tuyến đầu.
Chính phủ Ấn Độ cho biết khoảng 100 người sẽ được tiêm vắc-xin tự nguyện tại 3.006 trung tâm khắp cả nước trong ngày đầu tiên khởi động chiến dịch tiêm chủng. "Đây sẽ là chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới, bao phủ khắp phạm vi đất nước", văn phòng Thủ tướng Modi ra tuyên bố.
Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ ưu tiên vaccine cho khoảng 30 triệu nhân viên y tế , vệ sinh và lực lượng an ninh. Tiếp đến là khoảng 270 triệu người trên 50 tuổi hoặc có bệnh lý nền được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Tuy nhiên, những người tình nguyện tiêm vaccine sẽ không thể lựa chọn giữa vaccine của Oxford/AstraZeneca và vaccine do hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech sản xuất.
New Delhi đã mua 11 triệu liều vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và 5,5 triệu liều vaccine Covaxin của Bharat Biotech. Theo cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ, vaccine AstraZeneca có hiệu quả 72%, trong khi Bharat Biotech dự kiến công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của Covaxin vào tháng 3.
Serbia chuẩn bị tiêm vắc-xin của Trung Quốc
Ngày 16/1, Serbia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vắc-xin phòng Covid-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vắc-xin của hãng này tới sân bay Belgrade.
Như vậy, sau vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Sputnik V của Nga, sản phẩm của hãng Sinopharm là vắc-xinthứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Theo quan chức y tế Serbia, việc tiêm phòng vắc-xin của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17/1 hay 18/1.
Cho đến nay, khoảng 20.500 người ở Serbia, gồm những người sinh sống trong các trại dưỡng lão và nhân viên trong ngành y tế, đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Serbia có gần 370.000 người mắc Covid-19 và 3.700 người trong số này đã tử vong.