Lời cảnh báo về đại dịch tiếp theo
Trong một báo cáo mới ngày 14/9, Ủy ban Giám sát sự sẵn sàng toàn cầu (GPMB) - một cơ quan độc lập do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) lập ra - cho biết đại dịch Covid-19 đã tiết lộ được thế giới chú tâm ít ỏi ra sao về chuyện chuẩn bị sẵn sàng cho các thảm họa như vậy.
"Đại dịch Covid-19 đang cho một bài kiểm tra khắc nghiệt về sự chuẩn bị sẵn sàng của thế giới", AFP dẫn một đánh giá trong báo cáo.
Báo cáo cảnh báo: "Việc không rút ra được bài học từ Covid-19 hay không hành động bằng các cam kết và nguồn lực cần thiết sẽ đồng nghĩa đại dịch tiếp theo - mà chắc chắn sẽ diễn ra - gây thiệt hại thậm chí nhiều hơn".
Mỹ chưa chắc có vắc-xin Covid-19 trước bầu cử
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, cho rằng Mỹ chưa thể sẵn sàng phân phối vắc-xin Covid-19 trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11.
Tại một cuộc hội thảo về y tế ngày 8/9, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết "nhiều khả năng" vắc-xin Covid-19 sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay khi mà các công ty như Moderna và Pfizer đang chạy đua để hoàn thành việc đăng ký bệnh nhân tham gia thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối của họ vào cuối tháng 9 này.
"Không chắc chúng ta sẽ có câu trả lời chắc chắn" trước ngày bầu cử 3/11, Tiến sĩ Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói.
|
Tiến sĩ Anthony Fauci |
Bình luận của ông mâu thuẫn với tuyên bố mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 7/9 rằng nhà chức trách sẽ sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 trước ngày bầu cử.
"Chúng ta có thể sớm có vắc-xin, thậm chí trước một ngày vô cùng đặc biệt. Các bạn biết tôi đang nhắc tới ngày gì rồi đấy", ông Trump nói với các phóng viên, ngụ ý ngày bầu cử.
Thông thường, một loại vắc-xin mới thường mất khoảng vài năm, thậm chí 10 năm để phát triển, sản xuất và phân phối. Tuy nhiên theo tình hình hiện tại, không chỉ riêng Mỹ mà nhiều quốc gia khác đều đang tăng tốc để có thể sớm đưa ra một loại vắc-xin chống Covid-19 kịp thời điểm đầu năm 2021. Quá trình phát triển vắc-xinnhanh kỷ lục này không tránh khỏi những ý kiến trái chiều và sự nghi ngờ về tính an toàn, cũng như liệu các công đoạn có bị rút ngắn, lược bỏ...
Châu Âu sẽ đối mặt với sự gia tăng số ca tử vong vào tháng 10-11
Tại châu Âu, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 13/9 cảnh báo khu vực này sẽ chứng kiến sự gia tăng nhanh số ca tử vong theo ngày trong tháng 10-11 tới khi nhiều nước hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu hiện đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, mặc dù số ca tử vong tương đối ổn định. Ông Kluge cũng khuyến cáo những ý kiến chủ quan cho rằng vắc-xin có thể chấm dứt đại dịch, đồng thời nhấn mạnh hiện chỉ có tác dụng với một nhóm người chứ không phải cả mọi người đồng thời kêu gọi người dân học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 và việc chấm dứt dịch bệnh phụ thuộc vào chính con người.
Số ca mắc Covid-19 tại châu Âu đã gia tăng trong vài tuần gần đây, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Pháp. Riêng ngày 11/9 vừa qua, hơn 51.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại 55 quốc gia thành viên WHO thuộc khu vực châu Âu, cao hơn mức cao nhất báo cáo hồi tháng 4. Tuy nhiên, số ca tử vong theo ngày vẫn duy trì ở mức 400-500 ca, tương tự như mức kể từ đầu tháng 6.