Dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính còn nhiều bất cập

(PLVN) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo xây dựng chính sách quy định về vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cho cử nhân khúc xạ nhãn khoa do Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.
Hình minh họa

Theo thông tin tại hội thảo, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Ước tính có khoảng 14 – 15 triệu người cần được chăm sóc tật khúc xạ và có khoảng 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.

Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính mắt hiện còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Có tới 71% người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này.

Việc điều chỉnh kính do tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên cửa hàng kính mắt mà phần lớn không được đào tạo bài bản, dẫn đến việc đeo sai kính. Theo kết quả điều tra đánh giá chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Viện Thị giác Brien Holden phối hợp với Tổ chức FHF, Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện vừa được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính chưa chính xác do người đo kính không được đào tạo bài bản.

Thực tế cho thấy có sự tham gia của cử nhân khúc xạ nhãn khoa tại các cơ sở chăm sóc mắt sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng công việc cho các bác sĩ nhãn khoa để có thể tập trung chuyên sâu các dịch vụ lâm sàng các bệnh về mắt khác.

Từ năm 2012 có khoảng 200 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội và hơn 100 sinh viên tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đó có 61 cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên của 2 trường vừa tốt nghiệp song đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dành cho nhóm đối tượng này. 

Đọc thêm