Tại buổi thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây vài ngày, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết có những dự án giao thông “đội giá vô cùng lớn”…
Tăng hơn 3000 tỷ, dự án vẫn chậm
Nằm trên địa bàn 3 phường của quận Long Biên và 5 xã của huyện Đông Anh, Hà Nội, dự án đường 5 kéo dài có nguồn vốn được phê duyệt ban là 3.131 tỷ đồng.
Chính thức khởi khởi công từ năm 2005, từ nguồn vốn phê duyệt ban đầu là 3.131 tỷ đồng, sau 7 năm triển khai, cuối năm 2012, chủ đầu tư chính thức có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp đôi, với số vốn 6.663,5 tỷ đồng.
|
Cầu Đông Trù - một hạng mục trong Dự án đường 5 kéo dài |
Theo đó, chi phí bị điều chỉnh cao nhất tại dự án này là giá xây dựng tăng 2.328,2 tỷ đồng, riêng chi phí dự phòng trượt giá trong thời gian thực hiện còn lại được “xin thêm” là 378,9 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư cho rằng, do khối lượng giải phóng mặt bằng thay đổi và việc điều chỉnh đơn giá, chính sách hỗ trợ qua các năm nên yêu cầu xin thêm cho khoản này lên đến 334 tỷ đồng.
Trong một lần trả lời Pháp luật Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn (chủ đầu tư dự án) đã từ chối bình luận về “hành lang pháp lý” của việc xin “đội vốn” hàng nghìn tỷ đồng nói trên. Ông Bình cho biết, việc xin tăng vốn cho dự án là “rất minh bạch”.
Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP. Hà Nội vào đầu tháng 6/2013 cho thấy, mặc dù đây là dự án công trình trọng điểm của Thành phố được HĐND Thành phố đưa danh mục các công trình trọng điểm giai đoạn 2006 - 2010, 2011 – 2015, nhưng đến nay tiến độ rất chậm, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong công tác GPMB, thi công dự án. Ngoài việc tổng mức đầu tư tăng gấp 2 lần, thì đến nay dự án cũng chậm tiến độ từ 5 - 6 năm so với quyết định phê duyệt.
Xin thêm 110 triệu USD
Với tổng mức đầu tư theo phê duyệt ban đầu là 201,5 triệu USD, Dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ được xem là một trong những dự án về đường thủy có mức đầu tư rất lớn. Trong tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD này thì trong đó 171,5 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 30 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo đó, số tiền hơn 200 triệu USD nói trên sẽ được chi tiêu cho việc nâng cấp các hành lang đường thủy quốc gia (từ Việt Trì - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạch Giang), nâng cấp cửa sông Ninh Cơ và kênh nối Đáy - Ninh Cơ, nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc, các bến khách ngang sông thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ… Dự án này dự kiến kết thúc vào tháng 6/2014.
Cũng giống như các dự án khác, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường thuỷ nội địa phía Bắc, ông Lê Huy Thăng, cho hay đại diện chủ đầu tư cũng đang rốt ráo làm văn bản để xin điều chỉnh mức đầu tư tăng thêm. Số tiền tăng thêm này nếu được chấp thuận sẽ đạt con số hơn 100 triệu USD!.
Ông Thăng cho biết, ngoài việc đề nghị WB bổ sung thêm 75 triệu USD, thì về phần vốn đối ứng của Việt Nam cũng sẽ được “xin” điều chỉnh tăng thêm 35 triệu USD. Như vậy, nếu đề xuất tăng vốn được chấp thuận, tổng mức đầu tư dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ sẽ hơn 310 triệu USD, vượt 100 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Việc xin thêm hơn 100 triệu USD, được ông Thăng giải thích ngắn gọn, có thể là đơn giản so với quy mô số tiền lớn lao này vì “lý do tăng là chi phí giải phóng mặt bằng tăng, trượt giá liên tục, rất nhiều thứ…”
Rủi ro, trượt giá đều có thể tính được! Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thì các yếu tố rủi ro, trượt giá đều có thể tính được vào giá khi đấu thầu. Phải sòng phẳng, công khai minh bạch thì mới chống tham nhũng, tiêu cực được. Quá trình thực hiện lỗi thuộc về ai thì người đó phải chịu, ví dụ giải phóng mặt bằng chậm làm giá tăng lên thì người giải phóng mặt bằng phải chịu … |
Việt Hưng