Điểm sử vẫn… thê thảm trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012

Điểm 0 môn Sử vẫn "dẫn đầu" về số lượng điểm 0 của các trường ĐH, CĐ ngành xã hội trong hơn 200 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công bố điểm thi. Theo thống kê của các trường ĐH có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%, có trường điểm Sử cao nhất là 5, 25 điểm.

Điểm 0 môn Sử vẫn "dẫn đầu" về số lượng điểm 0 của các trường ĐH, CĐ ngành xã hội trong hơn 200 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công bố điểm thi. Theo thống kê của các trường ĐH có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%, có trường điểm Sử cao nhất là 5, 25 điểm.
Thấp… đầu bảng
Trường ĐH Quảng Nam đưa ra con số thống kê điểm Sử dưới 5 điểm chiếm tỷ lệ 98,3%. Như vậy, trong số 975 TS thi khối C chỉ có 17 thí sinh có điểm từ 5 trở lên môn Sử. Tỉ lệ thí sinh có điểm từ 0 đến 1 chiếm 55%, trong đó gần 20% thí sinh điểm 0. Trường ĐH Đà Lạt năm nay, số TS dự thi khối C vào trường là 1.426 em, chỉ có 169 TS đạt điểm thi môn Sử từ 5 điểm trở lên.
Thí sinh kỳ thi 2012
Thí sinh kỳ thi 2012
Trong hơn 2.800 TS dự thi khối C vào Trường ĐH Quy Nhơn thì có hơn 2.500 TS có điểm môn Sử dưới 5. Tại ĐH Sài Gòn, số TS có điểm môn Sử dưới 5 là 1.342, chiếm 85,8%. Trong số 220 điểm 0, môn Sử chiếm tới 208 bài. Trường ĐH Phú Yên có 319 TS dự thi khối C nhưng có đến 99,4% TS đạt điểm dưới trung bình môn Sử và có đến 55,5% TS có bài thi lịch sử đạt 0-1 điểm; chỉ có hai TS đạt điểm trên 5. 
Tuy nhiên, đẫn đầu điểm thi Sử thấp phải kể tới ĐH Tây Nguyên với  95,3% bài thi Sử dưới trung bình; ĐH Tiền Giang đạt tỷ lệ 84,5%. Khả dĩ hơn các trường kể trên, ĐH Đồng Tháp có 75,4% bài thi Sử dưới trung bình, còn ĐH Văn hóa TP.HCM chỉ chiếm tỉ lệ 65%. Và tại ĐH Văn hóa Hà Nội, năm 2012 nhà trường có 4.474 thí sinh (TS) tham gia dự thi ở các khối C, D1, N1-4, R1. Trong số 220 điểm 0, môn Sử chiếm tới 208 bài.
“Chuột chạy cùng sào”?
Lý giải cho thực tế trên, nhiều thầy cô cho rằng, đó là những thí sinh đi thi ĐH lấy sự may rủi. Họ lựa chọn thi khối C không phải do năng lực hay sở thích. Bởi ở trường phổ thông không phải tất cả các thí sinh đăng kí dự thi khối C đều có năng lực học các môn khoa học XH-NV, mà có một bộ phận không nhỏ do không có năng lực thi khối nào thì đăng kí khối C. Ngược lại, nhiều em có năng lực học các môn khoa học XH-NV thực sự thì khối C cũng không phải là sự lựa chọn số một. 
Thêm vào đó, ở góc đọ khác, xã hội chưa coi trọng những hiểu biết về lĩnh vực lịch sử; tính thực dụng của cuộc sống xã hội hiện thời (lĩnh vực Sử gần như “ngoại đạo”) người viết sách giáo khoa môn lịch sử chưa thật tâm và cách dạy sử của ta hiện nay còn thiên lệch, chỉ trú trọng vào một vài giai đoạn, nặng về cứ liệu làm cho môn học khô khan, nhàm chán... Và điều quan trọng, không mấy thầy cô có khả năng làm cho học sinh nhìn thấy vẻ đẹp của môn sử, một trong những môn học mà ở đó người trẻ thấy niềm tự hào, thấy những giá trị truyền thống được hun đúc từ bao đời...
Nhìn nhận về vấn đề này, Tiến sỹ Huỳnh Quang Đạt- Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trước hết đó là do khuynh hướng thực dụng, ai cũng muốn con mình thi vào các trường kinh tế, kĩ thuật do vậy các trường khối C chủ yếu ở khu vực nhà nước, sự nghiệp lại bị lép vế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự phát triển bền vững trong quản lý nhà nước lại có sự thiên lệch trong 5-10 năm tới. Khi mà các ngành xã hội chuẩn bị giá trị đạo đức, tâm hồn cho con người. Vậy nhưng, những giá trị đó bị giảm đi là điều đáng báo động. Trong cuộc sống, không phải là những ứng xử khô cứng như máy móc mà là con người với con người. 
Cô Nguyễn Hồng Anh- GV Sử trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương lý giải : Trong xã hội hiện nay, môn Sử chưa được đặt đúng vị trí nên học sinh rất sợ môn Sử bởi lý thuyết quá nhiều. Có em quan niệm đây là môn học thuộc lòng, trong khi thực tế muốn nhớ lâu phải đi sâu vào bản chất của vấn đề. 
Theo tôi, sự sa sút của môn Sử có nhiều nguyên nhân: Đó là điều kiện cơ sở vật chất để học Sử còn rất hạn chế, môn học chưa thực sự sống động, trong khi các em hiểu biết về lịch sử nước ngoài rất rõ qua các phim cổ trang. Tuy nhiên, hiện nay nhà đài cũng đã có những chương trình phổ biến lịch sử rất hay cho các em.
Kinh nghiệm để có một bài lịch sử hay thì cách học phải biết lồng ghép câu chuyện lịch sử và biến thành cái hồn ở trong đó. Dù mỗi trò có cách học khác nhau, nhưng mẫu số chung là cần học để hiểu chứ không phải học thuộc đối phó rồi quên. Học lịch sử không phải học sự kiện mà phải học qua tư liệu trong cuộc sống.

Uyên Na

Đọc thêm