1. Làm rõ việc giả mạo Quyết định Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về giao đất
Ngày 16/1, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc xác minh, xử lý thông tin việc giả mạo văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai khẳng định, Quyết định có số 1372/QĐ-UB với nội dung “Giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai, mã số doanh nghiệp 5901199809, 392 ha đất trống đồi trọc tại tiểu khu 1393 và 1394 thuộc Lâm trường Nam Sông Ba, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để sử dụng vào mục đích trồng, bảo vệ và phát triển rừng” không do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Đây là quyết định giả mạo văn bản, chữ ký của cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Gia Lai lưu hành một Quyết định có số 1372/QĐ-UB với nội dung “Giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai, mã số doanh nghiệp 5901199809, 392 ha đất trống đồi trọc tại tiểu khu 1393 và 1394 thuộc Lâm trường Nam Sông Ba, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai để sử dụng vào mục đích trồng, bảo vệ và phát triển rừng”. Thời hạn sử dụng rừng là 50 năm, từ ngày 29/6/2023 đến 29/6/2073. Đặc điểm khu đất ghi trong biểu thống kê và bản đồ kèm theo quyết định này. Người được giao đất có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng diện tích đất được giao đúng mục đích theo các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp. Cuối văn bản Quyết định có con dấu đỏ của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, kèm tên và chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long.
Liên quan đến vụ việc giả mạo Quyết định trên, Giám đốc Công ty Thiên Phú Gia Lai là bà Đào Thị Thúy Nga thừa nhận, đây là việc làm do em của mình thực hiện.
2 Khởi tố vụ án, tạm giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Ngày 16/1, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Dương Kiều Vy (sinh năm 1993) và Lý Kim Yến (sinh năm 1994) cùng trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra ban đầu, cơ quan Công an xác định, chị T (sinh năm 1995, trú tại thành phố Hà Nội) có quen biết với Nguyễn Dương Kiều Vy qua mạng xã hội Tiktok. Do Vy đang cần tiền để trả nợ nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị T. Sau khi biết chị T đang kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo, Vy nói dối là có quen biết với người tên My chuyên cung cấp nấm đông trùng hạ thảo từ Trung Quốc với giá 140 triệu đồng/tấn. Sau đó, Vy tự đăng ký, tạo tài khoản Zalo tên “Master” và giả danh là My để nhắn tin với chị T trao đổi thông tin về việc nhập nấm đông trùng hạ thảo. Do thấy giá nhập hàng thấp, chị T đề nghị nhập 0,5 tấn với giá 70 triệu đồng. Tuy nhiên, Vy nói chị T cứ nhập 1 tấn, nếu không bán hết sẽ giới thiệu trợ lý là Ngọc liên hệ các đầu mối giúp để tiêu thụ hết số hàng nhập về.
Tiếp theo đó, Vy tự giả danh và dùng tài khoản Zalo giả danh nhắn tin qua lại với chị T để tạo sự tin tưởng. Tin lời đối tượng, chị T chuyển 140 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng mang tên Lý Kim Yến (là nhân viên của Vy) theo hướng dẫn để nhập hàng. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, đối tượng tiếp tục tạo lòng tin, chiếm đoạt tổng số tiền 2,482 tỷ đồng của chị T để sử dụng trả nợ cá nhân.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa đã triệu tập Nguyễn Dương Kiều Vy để điều tra. Tại cơ quan Công an, Vy khai nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của chị T. Ngoài ra, Vy khai nhận để có tiền trả nợ cá nhân, Vy còn thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác, với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng, có sự giúp sức của Lý Kim Yến.
3. Hàng giả gây thiệt hại cho châu u 16 tỉ euro mỗi năm
Theo đánh giá của Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh châu u (EUIPO) đưa ra ngày 16/1. Hàng giả, chủ yếu quần áo, gây thiệt hại cho kinh tế châu u 16 tỉ euro mỗi năm và làm mất gần 200.000 việc làm.
Đánh giá dựa trên số liệu từ năm 2018 đến 2021, cho thấy hàng giả gây thiệt hại lớn đối với lĩnh vực may mặc, ước tính 12 tỉ euro (13,1 tỉ USD) hằng năm, tức 5,2% tổng doanh thu.
Đánh giá này dựa trên số hàng hóa bị cảnh sát tịch thu và tỉ lệ người châu u thừa nhận đã mua hàng giả tại mỗi nước trong khối.
Một nghiên cứu từ tháng 6/2023 cho thấy 1/3 người châu u được hỏi cho rằng có thể chấp nhận mua hàng giả nếu giá hàng thật quá cao. Tỉ lệ này ở người trẻ là 50%. Phần lớn hàng giả phát hiện ở 5 nước thành viên EU là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Áo. Các nước này chiếm một nửa thiệt hại hằng năm.
Dựa trên đánh giá, EUIPO cho biết Đức mất 40.000 việc làm mỗi năm do hàng giả, Italy mất 24.000 việc làm, Pháp và Tây Ban Nha mỗi nước mất 15.000 việc làm.
4. Liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển hàng hóa nhập lậu
Liên tiếp những ngày qua, các lực lượng chức năng thuộc Công an thành phố Hà Nội phát hiện các vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu.
Theo đó, Công an quận Hà Đông phối hợp lực lượng liên ngành của quận vừa kiểm tra, lập biên bản tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 153 thùng carton chứa 18.360 quả pháo hoa do nước ngoài sản xuất, có tổng khối lượng là 1,8 tấn.
Vụ việc được lực lượng chức năng phát hiện qua tuần tra, kiểm soát tại khu vực đường Nguyễn Trác, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, đã bắt gặp một xe tải đang bốc xếp hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn.
Đấu tranh khai thác bước đầu, lái xe cho biết được một người, không rõ nhân thân, thuê chở 153 thùng hàng carton dán kín, từ gầm cầu vượt trên Quốc lộ 5, đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội, đến khu vực phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, với tiền phí vận chuyển là 600.000 đồng.
Hiện, Công an quận Hà Đông tiếp tục phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 14/1, qua công tác nắm địa bàn và tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại khu nhà ở Sông Công, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội, Tổ công tác của Đội Cảnh sát Điều tra về ma túy Công an quận Hà Đông phối hợp Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở này đang kinh doanh thuốc lá điện tử, không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 2.400 chai tinh dầu thuốc lá điện tử đang bày bán, là hàng hoá đang lưu thông trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng gần 300 triệu đồng. Hiện, Công an quận Hà Đông tiếp tục phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 xử lý vụ việc theo quy định pháp luật./.