1. Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia
Ngày 26/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã triệt phá thành công chuyên án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 776 g ma túy các loại.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ được các đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Hóa (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Tĩnh) và Phạm Anh Tú (sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An) cùng 6 đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối tượng Nguyễn Xuân Hóa có liên quan đến đường dây hoạt động mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Phạm Anh Tú là đối tượng chuyên trộm xe máy và có tàng trữ súng ngắn. Cả hai liên kết để mua ma túy với số lượng lớn.
Với những chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an thành phố Thuận An và Công an thành phố Tân Uyên triển khai lực lượng đồng loạt tiến hành bắt giữ 10 đối tượng có liên quan đến các hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ tổng cộng hơn 776,19 g ma túy các loại và nhiều tang vật khác. Khám xét nhà đối tượng Phạm Anh Tú, cơ quan Công an phát hiện thu giữ một khẩu súng, 4 viên đạn, trong đó có một viên đạn đã lên nòng.
2. Đề nghị truy tố 254 bị can có sai phạm liên quan đến đăng kiểm
Ngày 26/3, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Thành phố và 3 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Các bị can bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra đề nghị truy tố 11 tội danh, chủ yếu liên quan đến hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn và làm giả.
Theo kết luận điều tra, trong quyền hạn, nhiệm vụ được phân công, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu thông.
Tuy nhiên, các bị can là lãnh đạo, đăng kiểm viên VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra theo quy định; đồng thời nhận hối lộ từ các công ty từ 1,5-3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định.
Sau khi nhận tiền, các bị can này chia tiền theo tỷ lệ: Trần Anh Quân (quyền Trưởng VAR) 700.000 đồng/hồ sơ, bao gồm phần Quân được hưởng, phần Quân dùng ngoại giao tiếp khách và chia cho Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam 1/2014-7/2021) và Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8/2021-9/2022); các phó VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ.
Như vậy, mỗi tháng khi nhận hối lộ của các công ty thiết kế, các đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ và chia tiền. Tại Cơ quan điều tra, Trần Anh Quân thừa nhận hành vi và khai, số tiền hối lộ nhận được chi cho Trần Kỳ Hình 1,68 tỷ đồng, chia cho Đặng Việt Hà hơn 5,9 tỷ đồng, Quân hưởng lợi hơn 11,5 tỷ đồng…
3. Cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến mới
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý người dùng Việt về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới, có quy mô quốc tế. Đồng thời, Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra các hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam tuần qua.
Chiến dịch lừa đảo trực tuyến mới qua email quy mô quốc tế. Cuộc tấn công bắt đầu từ email lừa đảo chủ đề “tiền lương” để lừa người nhận mở tài liệu Microsoft Word đính kèm. Tệp word khi được mở sẽ yêu cầu nạn nhân nhập mật khẩu được cung cấp trong email và cho phép chỉnh sửa, sau đó nhấp đúp vào biểu tượng máy in trong tài liệu để xem biểu đồ lương. Từ đó, đối tượng tấn công và chiếm đoạt tài sản trên thiết bị nạn nhân.
Ứng dụng lừa đảo tiền điện tử. Leather mới đây đã đưa ra cảnh báo về ứng dụng giả mạo ví tiền điện tử của họ trên App Store. Đơn vị này cho biết, họ chưa cung cấp dịch vụ tương tự trên nền tảng iOS. Một số người dùng đã báo cáo việc bị đánh cắp tiền điện tử sau khi sử dụng ví điện tử giả mạo. Theo Cục An toàn thông tin, trường hợp đã lỡ đăng nhập thông tin vào ứng dụng giả mạo, người dùng cần nhanh chóng chuyển tiền điện tử sang một ví điện tử khác an toàn và không truy cập vào những đường link đáng nghi
Mất tiền vì cài phần mềm dịch vụ công giả mạo. Dù không phải là hình thức lừa đảo mới, song gần đây, nhiều người dân bị dính bẫy lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, tạo cơ hội để đối tượng chiếm điều khiển điện thoại và từ đó lấy cắp tài sản.
Để phòng tránh chiêu lừa trên, người dân được khuyến nghị cảnh giác với những cuộc gọi, tin nhắn lạ, nhất là cuộc gọi, tin nhắn xưng là cán bộ cơ quan nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu qua điện thoại.
4. Bị chiếm đoạt 12 tỷ đồng khi tham gia kinh doanh qua ứng dụng 'Supply Helper'
Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã cảnh báo tình trạng lừa đảo khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping. Đây là hình thức bán lẻ mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho. Thay vào đó, người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh này để dụ dỗ nhiều nạn nhân tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền của “người bán hàng”.
Chị H (trú tại Hà Nội) cho biết có quen biết đối tượng giới thiệu bán hàng online và được khoe vừa lãi 80 triệu đồng sau khi bán được hai chiếc đồng hồ qua ứng dụng “Supply Helper”. Thấy lợi nhuận lớn, chị H đã tải ứng dụng này để kinh doanh. Khi khách hàng đặt hàng, chị H phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho các đối tượng. Sau khi khách hàng nhận được tiền, chị H sẽ nhận lại được tiền gốc và 18% tiền lãi.
Đơn hàng đầu tiên, chị H nạp 511,28 USD, lãi 61,35 USD. Chị nhận được đầy đủ tiền hàng và lãi. Sau đó, chị tiếp tục đặt 46 đơn hàng, rút được tiền của một số đơn hàng. Khi số tiền nạp mua đơn hàng là 12 tỷ đồng, các đối tượng đã chặn liên lạc với chị H và không cho rút tiền. Lúc này chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Qua đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo: Người bán hàng online thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền; thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến
5. đối tượng dùng súng tự chế bắn người
Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, ngày 26/3, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Triệu Văn Thành (sinh năm 1990, trú tại thôn Nà Cọ, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể) về tội “Giết người” quy định tại khoản 1, Điều 123 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn, khoảng 21 giờ ngày 5/7/2023, Triệu Kiều Hưng và Mã Đức Thuộc cùng Triệu Hữu Phương uống rượu cùng nhau tại quán tạp hóa trước nhà Phương. Sau đó Triệu Văn Thành, Đặng Văn Duy và Triệu Hữu Phú xuống nhà Triệu Hữu Phương để chơi và mua thuốc lá và vào bàn uống rượu cùng.
Trong lúc uống rượu, Thành và Thuộc thi vật tay, có xảy ra cãi vã, xô xát. Do bực tức vì bị Thuộc đấm, Thành bỏ về và nảy sinh ý định sử dụng khẩu súng tự chế đem đi bắn Thuộc để trả thù. Khoảng 23 giờ 30 ngày 5/7/2023, Triệu Văn Thành đã dùng khẩu súng (loại súng tự chế bắn đạn ghém) nhằm hướng Triệu Kiều Hưng và Mã Đức Thuộc đang ngồi trên xe máy rồi bắn. Đạn trúng vào vùng vai và cánh tay phải của Triệu Kiều Hưng gây thương tích với tỷ lệ 4%. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Triệu Văn Thành 7 năm tù giam.
Việc dùng súng tự chế gây thương tích, thậm chí gây thương vong cho người khác đã từng xảy ra tại Bắc Kạn. Để hạn chế tình trạng này, Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tới quần chúng nhân dân./.