1. Truy tìm phạm nhân bỏ trốn, cướp taxi tại Thanh Hóa
Tối 2/4, Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo khẩn truy tìm phạm nhân Mai Văn Đệ (sinh năm 1991, trú xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trốn khỏi Trại giam số 5 thuộc Cục C10 - Bộ Công an, đóng tại thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định).
Khi trốn trại, phạm nhân mặc áo phông màu xanh, quần đùi kẻ ô vuông. Trên đường bỏ trốn, đối tượng đã cướp một xe taxi trên địa bàn xã Hà Lĩnh, sau đó bỏ lại chiếc xe này tại địa bàn xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) rồi lẩn trốn tiếp.
Công an Thanh Hóa khuyến cáo, người dân khu vực huyện Hà Trung và các địa bàn lân cận chú ý cảnh giác, đề phòng đối tượng trộm cắp, cướp tài sản, phương tiện trên đường chạy trốn. Người dân có thông tin về đối tượng đề nghị thông báo ngay cho Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa
2. Triệt phá đường dây ghi lô, đề với giao dịch tới hơn 1 tỷ đồng/ngày
Ngày 2/4, thông tin từ Công an huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết lực lượng công an đã phá thành công chuyên án, bắt 13 đối tượng về hành vi đánh bạc bằng hình thức ghi số lô, số đề với số tiền giao dịch lớn và thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Trước đó, thông qua công tác nghiệp vụ, nắm bắt thông tin từ cơ sở, Công an huyện Diễn Châu phát hiện trên địa bàn xã Diễn Yên có một đường dây đánh bạc bằng hình thức ghi lô, đề với nhiều đối tượng tham gia, số tiền giao dịch lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Các đối tượng trong đường dây hoạt động rất tinh vi, kín kẽ, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, không giao dịch trực tiếp với nhau ở nhà riêng mà sử dụng mạng internet và các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber nhắn tin để chuyển bảng mua bán lô, đề. Các đối tượng đại lý cấp 1 chuyên gom bảng lô, đề rồi chuyển cho Lê Đức Dũng, sinh năm 1979, trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (là đối tượng cầm đầu đường dây ghi số lô, số đề). Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ để giao dịch và có nhiều thủ đoạn khác nhằm đối phó cơ quan chức năng.
Sau một thời gian điều tra, Công an huyện Diễn Châu chủ trì, phối hợp với Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các xã Diễn Thịnh, Diễn Tân, Diễn Yên huy động nhiều cán bộ, chiến sỹ, chia thành các tổ công tác khám xét khẩn cấp 13 địa điểm. Lực lượng chức năng đã bắt giữ Lê Đức Dũng và 12 đối tượng là đại lý cấp 1 của Dũng; thu giữ 35 điện thoại di động và nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến hoạt động ghi lô, đề. Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng xác định, số tiền các đối tượng đánh bạc mỗi ngày từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu đang tạm giữ hình sự các đối tượng để tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án.
3. Xét xử đường dây tổ chức đánh bạc hơn ngàn tỷ trên mạng
Dự kiến ngày 4/4/2024, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên xử Nguyễn Minh Thành (35 tuổi) và 10 đối tượng có liên quan, tuổi 27 - 35, về tội “Tổ chức đánh bạc”, theo khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, còn có 42 bị can bị truy tố tội “Đánh bạc”, theo khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng xác định, từ 2017, Thành bắt đầu tìm hiểu thông tin phục vụ cho ý tưởng xây dựng phần mềm đánh bạc trực tuyến. Cuối 2019, Thành mua trên mạng một mã nguồn game bài đổi thưởng, bàn với 4 bị can Vũ Tiến Duy, Bùi Nhật Anh, Trần Đức Cường, Phạm Trung Thành cùng viết code phần mềm game bài, đặt tên SOCVIP.
Game bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2020. Thành thuê thêm Nguyễn Trường Sơn quảng cáo trên mạng xã hội để thu hút người đánh bạc.
SOCVIP hoạt động đến tháng 2/2021, Thành đổi tên thành SUMVIP, đồng thời mở thêm một game bài mới đặt tên là VUACLUB. Cả hai game chung cách hoạt động và gồm nhiều trò chơi khác nhau như tài xỉu, mini jackpot, chim điên, candy…
Người chơi phải mua tiền ảo dùng đặt cược vào các cửa tài hoặc xỉu. Tiền ảo quy ước trong game gọi là SUM và VUA. Người chơi có 3 hình thức nạp tiền để mua tiền ảo là nạp bằng thẻ cào điện thoại, chuyển tiền qua ví điện tử để mua SUM, VUA trực tiếp từ game.
Tiền nạp vào game qua thẻ cào viễn thông và ví điện tử sẽ được Thành giao cho Trần Hồng Sâm “chuyển hóa” bằng cách nạp tiền vào các sim 0 đồng, bán ra thị trường. Thành giao Dương Vũ Hoàng tạo các mã rút tiền từ các ví điện tử để rút tiền mặt tại cây ATM.
Với thủ đoạn trên, chỉ 4 tháng giữa năm 2021, hơn 6.600 tài khoản được các con bạc lập nên để chơi 2 game SUMVIP và VUACLUB, lợi nhuận mỗi tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo lời khai của Thành, tháng 6 - 8/2021, khi Covid-19 bùng phát mạnh, doanh thu tăng đột biến, có tháng lên tới 200 tỷ đồng.
Tổng số tiền được nạp qua các kênh nêu trên, lên tới hơn 1.184 tỷ đồng, nhiều nhất là qua ví điện tử (500 tỷ), đại lý trung gian (465 tỷ), thẻ cào điện thoại (200 tỷ)... Số tiền hưởng lợi được xác định 167 tỷ đồng.
Thời điểm khám xét, tháng 10/2021, cảnh sát còn thu gần 10 tỷ đồng tiền mặt, 20.000 USD, phong toả khoảng 10 tỷ đồng ở các tài khoản ngân hàng, kê biên 6 căn hộ... Riêng Thành sở hữu 5 xe sang trị giá khoảng 50 tỷ và 3 căn hộ cao cấp ở Hà Nội.
4 Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Tuyết Mai (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, năm 2012, Mai có quen biết anh N.Đ.T (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau đó, đối tượng đã vay mượn của anh T 1,2 tỷ đồng nhưng không sinh lãi và không có khả năng chi trả. Khi bị anh T đòi, Mai giải thích số tiền được đầu tư vào việc đưa người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Số tiền này đang bị một đại sứ quán nợ đọng nên Mai đã đăng ký tên, thông tin anh T là người hưởng thụ khoản tiền khi giải quyết xong các thủ tục.
Tháng 5/2022, Mai giả giọng miền Nam gọi điện cho anh T, tự xưng là nhân viên một cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ anh T làm thủ tục nhận lại khoản tiền nợ đọng. Tuy nhiên, anh T phải đóng phí mới được nhận tiền.
Để tạo sự tin tưởng, Mai đưa anh T vào một nhóm chat mà ở đó tất cả các tài khoản tham gia đều do Mai tự tạo ra với các chức vụ khác nhau tại đại sứ quán. Những tài khoản này nhắn tin qua lại với nhau về nội dung liên quan đến khoản tiền mà anh T được thụ hưởng bị nợ đọng.
Do tin tưởng, nạn nhân đã đóng tiền theo yêu cầu nhưng đều được thông báo gặp trục trặc, nộp muộn hoặc không đúng với mã số quy định, phải tiếp tục đóng tiền mới được lấy tiền về nếu không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong vòng hơn 1 năm (tháng 5/2022 - 7/2023), anh T đã thực hiện khoảng 100 giao dịch với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Mai đã sử dụng để chi tiêu, sử dụng cá nhân và trả nợ hết.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ Lê Thị Tuyết Mai để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan Công an, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Công an quận Nam Từ Liêm đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.